Hưng Yên không để tình trạng vốn chờ dự án
Để đạt mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên vừa ban hành Kết luận số 741-KL/TU về việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội, ủng hộ của nhân dân trong giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án đầu tư công.
Không để tình trạng vốn chờ dự án, dự án chờ giải phóng mặt bằng; rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai, thi công dự án bù cho sự chậm trễ trong chuẩn bị dự án đầu tư; lấy đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai, thi công dự án năm 2024 để bù cho sự chậm trễ của năm trước.
Lấy kết quả giải phóng mặt bằng, thực hiện kế hoạch đầu tư công hằng năm là một tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân; kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giải phóng mặt bằng và thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Các địa phương cần tăng cường quản lý thu ngân sách; đôn đốc thu hồi các khoản thuế và nghĩa vụ tài chính, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tập trung khai thác các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách các cấp năm 2024, đáp ứng nhiệm vụ chi đã đề ra, nhất là chi đầu tư phát triển, phần đối ứng của ngân sách cấp huyện, cấp xã. Các địa phương khẩn trương trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2023 dành cho đầu tư phát triển theo quy định.
Tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ngành và các địa phương rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 bảo đảm phù hợp với thực tiễn khả năng cân đối nguồn vốn; thực hiện phân bổ vốn đầu tư tập trung, không dàn trải, phân tán nguồn lực.
Tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án lớn, quan trọng, trọng điểm của tỉnh, địa phương, nhất là các dự án giao thông có tính liên kết vùng, tác động lan tỏa, tạo đột phá quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh bố trí đủ vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án đầu tư công, nhất là các dự án cơ bản hoàn thành, dự án chậm tiến độ, dự án chuyển tiếp. Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu cam kết về tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình, dự án, nhất là các dự án giao thông, xây dựng, dự án xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản, năm 2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 15.280 tỷ đồng, bằng 127,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hoàn thành, triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 91,8% kế hoạch vốn giao từ các nguồn; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý và tỷ lệ giải ngân nguồn thu tiền sử dụng đất tỉnh quản lý chỉ đạt 79,1% và 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cấp huyện quản lý đạt 86% kế hoạch…
Ở một số nơi, việc đấu thầu, chỉ định thầu thiếu tính cạnh tranh, tập trung vào một số ít nhà thầu. Một số nhà thầu năng lực hạn chế, kéo dài thời gian thi công. Nhiều công trình dự án đầu tư công tiến độ chậm, buộc chủ đầu tư chạy chỉ tiêu giải ngân năm bằng cách tăng cường tạm ứng vốn cho nhà thầu…
Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc triển khai các dự án đầu tư công.
Việc giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công; khó khăn, vướng mắc phát sinh chậm được xử lý. Việc lập, thẩm định, phê duyệt một số dự án đầu tư công còn chậm, chất lượng hạn chế dẫn đến chậm phân bổ vốn chi tiết theo quy định (trước ngày 31/12 hằng năm) và nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, do hụt nguồn thu tiền sử dụng đất, nhiều địa phương phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 vào thời điểm sát kết thúc năm hoặc đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, cá biệt có trường hợp ở cấp huyện, xã còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng chưa được thống kê, đánh giá đầy đủ.