|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

HSC: Eximbank vẫn thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017

11:48 | 10/02/2017
Chia sẻ
EIB vẫn thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng do gánh nặng trích lập dự phòng VAMC trong thời gian tới. Ngân hàng cũng thiếu sự ổn định về cơ cấu cổ đông và sự đồng thuận trong chiến lược dài hạn.
hsc eximbank van thieu dong luc thuc day tang truong trong nam 2017
HSC: Eximbank vẫn thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017. Nguồn: cafeF.vn

Năm 2016, Eximbank đạt 390 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và chỉ hoàn thành 39% kế hoạch đề ra là 1.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh không khả quan do cả tăng trưởng cho vay và huy động khách hàng kém. Trong khi đó tỷ lệ NIM cũng thu hẹp, thu nhập lãi thuần giảm.

Theo báo cáo của bộ phận phân tích CTCK HSC, trong năm 2016, cho vay khách hàng của Eximbank tăng 2,51% lên 86,89 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng cho vay chỉ bắt đầu từ Q4/2016. Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng 7,58% lên 34,02 nghìn tỷ đồng (bằng 39,14% tổng dư nợ cho vay) còn cho vay trung dài hạn giảm 0,5% xuống còn 52,87 nghìn tỷ đồng (bằng 60,85% tổng dư nợ cho vay).

HSC đánh giá, do EIB có tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn cao, khoảng 50%. Theo đó việc tăng cho vay ngắn hạn có vẻ là nhằm giảm tỷ lệ này. Và điều này cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt đối với tỷ lệ NIM. Cho đến nay Ngân hàng vẫn chưa công bố cơ cấu cho vay theo ngành.

Vốn huy động khách hàng tăng 3,98% lên 102,35 tỷ đồng. Vốn huy động kỳ hạn ngắn tăng 3,80% lên 86,87 nghìn tỷ đồng (bằng 84,88% tổng vốn huy động), vốn huy động không kỳ hạn tăng 4,96% lên 14,56 nghìn tỷ đồng (bằng 15,12% tổng vốn huy động).

Trong năm 2016, hệ số cho vay trên huy động (LDR) thuần đã được cải thiện. Hệ số LDR thuần là 84,90% (tại thời điểm cuối năm 2015 là 86,11%).

Tỷ lệ NIM giảm 0,13% xuống còn 2,76%. NIM giảm do lợi suất gộp chỉ tăng 0,45% từ 6,97% lên 7,42% trong khi chi phí huy động tăng 0,51% từ 4,29% lên 4,80%.

Về phía tài sản, EIB tiếp tục hoán đổi thêm nợ xấu với trái phiếu VAMC trong năm 2016, do đó tổng giá trị trái phiếu VAMC mà Ngân hàng nắm giữ vào cuối năm 2016 là 7.029 tỷ đồng (tương đương 32,59% tổng danh mục đầu tư). Trái phiếu đặc biệt VAMC có lãi suất coupon bằng không và do đó kéo giảm đáng kể lợi suất gộp của danh mục đầu trái phiếu.

Tuy vậy, HSC đánh giá, do cơ cấu tài sản sinh lãi của Ngân hàng gần như không đổi với khoảng 74,5% là cho vay khách hàng, 18,5% là đầu tư trái phiếu và 7% là cho vay liên ngân hàng.

Thu nhập lãi thuần giảm 9,29% so với năm 2015 là 3.082 tỷ đồng do cho vay khách hàng chỉ tăng trong quý IV/2016.

Tuy nhiên, tổng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 62,53% so với năm 2015 đạt 652,83 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tỷ giá. Trong đó, lãi kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 314,12% đạt 259.84 tỷ đồng. Do đó, tổng thu nhập hoạt động chỉ giảm nhẹ 1,70% so với năm 2015 là 3.734 tỷ đồng.

Tổng chi phí hoạt động giảm 2,14% so với năm 2015. HSC cho rằng, bằng nỗ lực bảo vệ lợi nhuận, chi phí hoạt động của EIB đã giảm 2,14% còn 2.255 tỷ đồng. Dù chi phí liên quan đến tài sản giảm 3,26% so với năm 2015 xuống 482 tỷ đồng và các chi phí quản lý khác cũng giảm 19,47% là 327 tỷ đồng. Hệ số CIR là 60,4%, vẫn rất cao so với các ngân hàng niêm yết khác.

Đặc biệt, chi phí dự phòng của EIB giảm 24,05% so với năm 2015, khoảng 1.089 tỷ đồng và cũng thấp hơn nhiều so với dự báo của HSC là 1.650 tỷ đồng. HSC lưu ý rằng chỉ có 394 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC (giảm 149,58%). Ngân hàng này cũng đã xử lý 482 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2016 (giảm 25,58% so với năm 2015).

Với 6.230 tỷ đồng giá trị trái phiếu VAMC tính đến cuối năm 2015, HSC giả định rằng EIB sẽ phải trích lập khoảng 1.246 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, do thiếu số liệu chi tiết, HSC giả định EIB có thể áp dụng thời gian trích lập dự phòng trái phiếu VAMC là 10 năm (10% dự phòng mỗi năm) thay vì kế hoạch 5 năm (20% dự phòng mỗi năm). Thời gian trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC dài hơn cần được NHNN phê duyệt theo quy định của Thông tư 08/2016/ TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.

Tỷ lệ nợ xấu của EIB sau xử lý theo báo cáo là 2,95% so với mức 1,86% vào cuối năm 2015. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm là 5,30% trong 6 tháng đầu năm 2016.

Như vậy, đã có 1.726 tỷ đồng nợ xấu được tái cơ cấu trong 6 tháng cuối năm 2016 (phần lớn có thể là được hoán đổi với trái phiếu VAMC). So với cuối năm 2015, nợ nhóm 3 tăng 487,93% lên thành 1.069 tỷ đồng (1,23% tổng dư nợ), nợ nhóm 4 giảm 39,47% xuống còn 357 tỷ đồng (0,41% tổng dư nợ) trong khi đó nợ nhóm 5 tăng 41,15% lên 1.132 tỷ đồng (1,30% tổng dư nợ). Tỷ lệ LLR là 42% so với mức 55% trong năm 2015 và vẫn thấp hơn mức bình quân của các ngân hàng đã niêm yết, là khoảng 70%.

Theo đó, LNTT là 390,63 tỷ đồng (tăng trưởng 542,25%).Tuy nhiên, do mức dự phòng trái phiếu VAMC thấp hơn dự kiến, HSC đánh giá chất lượng lợi nhuận của Ngân hàng là khá thấp.

Năm 2017, HSC dự báo LNTT là 731 tỷ đồng (tăng trưởng 87,22% so với năm 2016. Tuy nhiên, HSC đánh giá EIB vẫn thiếu động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận do Ngân hàng sẽ đối mặt với gánh nặng trích lập dự phòng VAMC trong thời gian tới. Ngân hàng cũng thiếu sự ổn định về cơ cấu cổ đông và sự đồng thuận trong chiến lược dài hạn.

Sau 2 lần tổ chức ĐHCĐTN năm 2016 thất bại, EIB sắp tổ chức lại ĐHCĐTN một lần nữa vào ngày 21/4/2017. Kỳ họp sắp tới, HSC cho rằng có thể giúp giải quyết một số vấn đề nêu trên, tuy nhiên vẫn phải chờ đợi kết quả thực tế.

HSC đánh giá, quá trình tái cơ cấu tại EIB tiếp tục diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn so với hầu hết các ngân hàng khác. Tuy vậy có thể nói năm 2016 là năm khó khăn nhất của EIB.

Hoàng Trung