|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

HSC dự báo lãi sau thuế 2018 của GTNFoods có thể tăng 55%

16:42 | 22/08/2018
Chia sẻ
Lũy kế 6 tháng đầu năm, GTNFoods đạt doanh thu 1.540 tỷ đồng, giảm 26%; lợi nhuận sau thuế đem về 92,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Có thể thu lãi đột biến từ thoái vốn các mảng kinh doanh không hiệu quả

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) về CTCP GTNFoods (Mã: GTN) lợi nhuận sau thuế năm 2018 dự báo tăng 55% nhờ lợi nhuận không thường xuyên từ thoái vốn tại các mảng kinh doanh không chủ chốt và Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam – CTCP (Mã: VLC, công ty con của GTNFoods) không còn thua lỗ.

GTNFoods đang xây dựng mô hình doanh nghiệp nông trại - thực phẩm với sản phẩm từ sữa và chè là hai nguồn thu nhập chính. CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, công ty con của GTNFoods), với hoạt động chăn nuôi bò và chế biến sữa đang có lợi thế về chất lượng so với đối thủ.

Mặt khác, Tổng công ty chè Việt Nam - CTCP (Vinatea, công ty con của GTNFoods) sở hữu lợi thế về quy mô và dự kiến sẽ nâng cấp chất lượng sản phẩm. Do đó, HSC nhận thấy tiềm năng để công ty giành thêm thị phần trong nước và thâm nhập thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, HSC cũng lưu ý rằng quá trình này có thể kéo dài một vài năm.

Theo báo cáo tài chính quý II của GTNFoods, doanh thu của công ty đạt 837 tỷ đồng, giảm 10,5% so với cùng kỳ; tuy vậy biên lãi gộp lại tăng lên gần 18%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ lên trên 30 tỷ đồng, chi phí tài chính không đáng kể. Cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ở mức tương đương cùng kỳ.

Hoạt động trong công ty liên doanh, liên kết lỗ gần 500 triệu đồng, kinh doanh khác cũng tiếp tục lỗ gần 2 tỷ đồng. Kết quả, GTNFoods lãi sau thuế trên 56 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 1.540 tỷ đồng, giảm 26%; lợi nhuận sau thuế đem về 92,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu hiện tại của Sữa Mộc Châu ở mức khiêm tốn

HSC cho biết, Sữa Mộc Châu có 76 nhà phân phối và 70.000 điểm bán hàng tại 45 tỉnh miền bắc và một số tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sản phẩm của Sữa Mộc Châu chưa sẵn có ở thị trường phía Nam với quy mô lớn hơn.

Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu cải thiện hệ thống phân phối và nhận diện thương hiệu tại các khu vực đô thị phía Bắc và sau đó mở rộng sang thị trường phía Nam.

Công ty cũng có kế hoạch giới thiệu thêm các sản phẩm sữa như phô mai, bơ và sữa hữu cơ cao cấp. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ dự kiến vẫn còn thấp và do đó chưa có tác động đến doanh thu chung.

Theo HSC, Sữa Mộc Châu chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng này, tuy nhiên công ty có lợi thế khi 100% sản phẩm sữa và sữa chua của công ty được làm từ sữa tươi.

Tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu hiện tại ở mức khiêm tốn khoảng 10,5%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 23% của Vinamilk, công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Do đó, rủi ro ở đây là lợi thế này có thể suy giảm hoặc không còn do chí phí marketing nhiều khả năng sẽ tăng lên trong vài năm tới.

hsc du bao lai sau thue 2018 cua gtnfoods co the tang 55

Xuất khẩu vẫn là thị trường chính của Vinatea

Hiện tại, hoạt động xuất khẩu hàng cơ bản vẫn là nguồn lợi nhuận chính của Vinatea chiếm khoảng 94% doanh thu trong khi thị trường trong nước chỉ chiếm 6% doanh thu trong năm 2017.

Các thị trường chính vẫn là các thị trường quen thuộc như Pakistan, Trung Đông, Afghanistan, Đài Loan…

HSC cho biết, cơ cấu doanh thu theo thị trường trong 6 tháng đầu năm 2018 không được công bố nhưng tỷ trọng nhiều khả năng sẽ không thay đổi nhiều do việc chuyển sang các thị trường cao cấp sẽ cần thêm thời gian.

Xem thêm

Minh Anh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.