HSBC: Người lao động Việt muốn nghỉ hưu sớm
Theo báo cáo "Thách thức không ngừng" thuộc chuỗi khảo sát Tương lai hưu trí của HSBC, người lao động đang có xu hướng nghỉ hưu sớm mặc dù tuổi nghỉ hưu chính thức của Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, trung bình đạt 75,6 - cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore (82,6) và cao hơn Malaysia (74,7). "Nghỉ hưu sớm trong bối cảnh tuổi thọ ngày càng tăng đang tạo ra một sức ép lớn lên quỹ bảo hiểm xã hội", các chuyên gia HSBC đánh giá.
|
Các chuyên gia HSBC cho rằng, theo dự báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quỹ bảo hiểm xã hội của nhà nước sẽ tiến tới mức thu bằng chi vào năm 2020 và sẽ rơi vào tình trạng chi vượt thu, phải cần đến sự trợ giúp từ ngân sách chính phủ vào năm 2037 nếu tuổi nghỉ hưu vẫn được giữ nguyên như hiện tại.
Mặc dù cái nhìn của thế hệ trẻ đối với tương lai hưu trí của mình còn thiếu tính thực tế, nhưng HSBC cho rằng, kết quả báo cáo cho thấy phần lớn trong số người khảo sát (68%) đã bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí, với độ tuổi tiết kiệm trung bình là 26 tuổi.
Khi bàn đến các kênh đầu tư để đảm bảo cho tương lai, HSBC cho biết những người tham gia khảo sát chọn bất động sản là một kênh đầu tư tốt giữa bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
Kênh đầu tư hưu trí nào cho lợi nhuận khả quan?
Kênh đầu tư Tỷ lệ chọn Bất động sản 47%, Tiết kiệm 38%, Cổ phiếu 29%, Bảo hiểm hưu trí cá nhân 22%, Các gói hưu trí của doanh nghiệp 20%, Trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp 13%. (Người khảo sát trong độ tuổi lao động có thể chọn nhiều hơn 1 phương án).
"So với các thế hệ đi trước, những người trẻ khi đầu tư có xu hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn để thúc đẩy gia tăng tiết kiệm hưu trí, với 39% người trẻ cho biết họ sẵn sàng", HSBC đánh giá.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, Ngân hàng HSBC Việt Nam - Sabbir Ahmed, để có một tương lai hưu trí đảm bảo, người trẻ nên có cái nhìn toàn diện hơn về giai đoạn này, ví dụ như chi phí y tế gia tăng và sự hỗ trợ của nhà nước đối với người về hưu có nguy cơ sụt giảm.
Bên cạnh đó, điều quan trọng theo các chuyên gia là giới trẻ Việt phải bắt đầu lập kế hoạch và tiết kiệm cho hưu trí càng sớm càng tốt. Có bốn bước để thực hiện kế hoạch này:
Có cái nhìn thiết thực về tương lai hưu trí. Cân nhắc các nguồn tài chính khác nhau. Lập kế hoạch ứng phó với những sự kiện bất ngờ. Tận dụng sự phát triển công nghệ.
Mới đây, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó có hai phương án về tuổi nghỉ hưu. Một là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ 55 tuổi; hai là tăng theo lộ trình mỗi năm 6 tháng, bắt đầu từ năm 2021 cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi.
Ví dụ, một lao động nam về hưu năm 2020, tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng như hiện nay là 60; nếu về năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 6 tháng; về hưu năm 2022, tuổi nghỉ sẽ là 61; về hưu năm 2023, tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 6 tháng...
So với dự thảo lần thứ nhất công bố cuối năm 2016, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã được rút ngắn. Theo phương án cũ, phải mất 8 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62, mất 20 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60 thì nay chỉ còn lần lượt 4 và 10 năm. Nếu phương án này được thông qua, thời gian áp dụng tuổi nghỉ hưu cho nam sẽ là năm 2024 và nữ từ 2030.