HOSE điểm tên những doanh nghiệp chưa nộp báo cáo tài chính quý II/2023
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố danh sách các công ty chậm nộp báo cáo tài chính quý II/2023, bao gồm: CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Mã: TDC), CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (Mã: SJF), CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (Mã: DAG), CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX) và CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã: IBC). Theo quy định, tổ chức niêm yết phải nộp báo cáo tài chính theo quý chậm nhất là vào ngày 20 kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý.
Trong nhóm 5 doanh nghiệp chậm nộp, cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á đang vào diện cảnh báo kể từ ngày 9/8 do công ty vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm (tính theo năm dương lịch). Đồng thời, HOSE đã bổ sung cổ phiếu này vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo. HOSE cũng đưa cổ phiếu HPX vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện cấp margin trong quý III/2023 với lý do cổ phiếu thuộc diện hạn chế giao dịch, đồng thời công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 5 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.
Thời gian qua, Hải Phát cũng gặp phải các thông tin bất lợi như chậm trả lãi lô trái phiếu mệnh giá trị giá 450 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm. Ngoài ra trong tháng 4, Chủ tịch Đỗ Quý Hả, vợ và em trai đồng loạt bị đình chỉ giao dịch do "bán chui" cổ phiếu HPX thời hạn 4 tháng.
Về CTCP Apax Holdings (Mã: IBC), công ty này đối diện với nhiều vụ việc liên quan đến nợ lương nhân viên, nợ học phí,... Tập đoàn Egroup - công ty mẹ của Apax Holdings chưa thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ với các nhà đầu tư,...
Ngày 25/5, cổ phiếu IBC đã bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Đối với CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, công ty đang chịu ảnh hưởng của thị trường bất động sản nói chung, chậm trả lãi trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng, bị phạt 18,66 triệu đồng tiền lãi chậm thanh toán cho trái chủ trong tháng 2/2023.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã quyết định không trả cổ tức năm 2022. Trước đó, thống kê từ thời điểm lên sàn năm 2010 tới nay, chưa năm nào công ty không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Cổ phiếu SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương cũng rơi vào diện cảnh báo từ 12/4 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022. Theo cập nhật tính đến thời điểm hiện tại, công ty này đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo công ty mẹ.
Công ty lỗ hợp nhất 3,5 tỷ đồng quý II/2023, cùng kỳ lãi 2,4 tỷ đồng. Nguyên nhân giải trình là bên cạnh việc kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm gần 11 tỷ, trong khi chi phí tài chính tăng 2,7 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 581 triệu đồng đã khiến công ty thua lỗ. Lũy kế 6 tháng, công ty lỗ 6,7 tỷ đồng.