|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

HoREA kiến nghị mức lãi suất vay ưu đãi mua nhà ở xã hội từ 3 - 3,5%/năm

16:43 | 22/02/2017
Chia sẻ
Theo đó, về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội hiện nay 5%/năm là hợp lý, nhưng về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm thì phù hợp hơn.
horea kien nghi muc lai suat vay uu dai mua nha o xa hoi tu 3 35nam
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Trong văn bản mà Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA) đánh giá về khả năng thực hiện nhà ở xã hội 100 triệu đồng/căn tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội này có đưa ra một số đề xuất đối với người mua nhà ở xã hội.

Theo đó, về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội hiện nay 5%/năm là hợp lý, nhưng về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm thì phù hợp hơn.

Về lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội, Hiệp hội kiến nghị người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại (hiện nay khoảng 7%/năm) đối với các khoản tiền gửi dài hạn (trên 12 tháng).

Mức lãi suất này hợp lý hơn mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị tại văn bản số 2510/NHCS-TDSV ngày 26/07/2016 "đã báo cáo và trình cấp có thẩm quyền quyết định lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội bằng lãi suất cho vay nhà ở xã hội cho từng thời kỳ" (Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định lãi suất cho vay nhà ở xã hội năm 2017 là 5%/năm).

Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội trong từng thời kỳ; quy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc để thống nhất thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng;

Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau, có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng/tháng thì thuận tiện và phù hợp hơn với khả năng tài chính của người mua nhà ở xã hội.

Về đặt cọc tiền thuê nhà ở xã hội, theo quy định tại khoản 6 điều 21 Nghị định 100 của Chính phủ thì "Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 12 tháng, tối thiểu không thấp hơn 03 tháng tiền thuê nhà ở để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà". Khoản tiền đặt cọc này quá nặng, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 01 đến 03 tháng tiền thuê nhà như thông lệ trong xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.

Về chuyển nhượng nhà ở xã hội, theo quy định tại khoản 4, khoản 5 điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì sau 5 năm, người mua được quyền chuyển nhượng nhà ở xã hội, nhưng phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất (nếu là căn hộ chung cư thì nộp 50% tiền sử dụng đất phân bổ cho căn hộ đó, nếu là nhà thấp tầng liền kề thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất). Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép những người đã sử dụng nhà ở xã hội từ 10 năm trở lên khi bán nhà không phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất thì có lý có tình hơn.

Khổng Chiêm