Hơn 58.000 tỷ đồng thuế GTGT đã được hoàn lại cho doanh nghiệp
Cơ quan thuế cũng cho biết, tới đây sẽ nâng cao tỷ lệ hoàn thuế trước kiểm tra sau. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về hoàn thuế giá trị gia tăng, do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức chiều 31/8, tại Hà Nội.
Cơ quan thuế đã tiếp nhận gần 14.000 hồ sơ đề nghị hoàn thuế trong 7 tháng. (Ảnh minh họa: KT). |
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến hết tháng 7, cơ quan thuế đã tiếp nhận gần 14.000 hồ sơ đề nghị hoàn thuế, cùng với 2.515 hồ sơ hoàn thuế được chuyển từ năm 2015 sang, tổng số hồ sơ hoàn thuế cần giải quyết là hơn 16.000 hồ sơ. Trong thời gian này, cơ quan thuế đã ban hành được hơn 12.000 quyết định hoàn thuế.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và hoàn thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, việc thực hiện Luật 106, Nghị định 100 và Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn hoàn thuế đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác hoàn thuế. Theo đó, trong 6 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế phải trả lời là thuộc hoàn trước hay kiểm trước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hoàn thuế nhanh có thể gây rủi ro, sai phạm, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, mặc dù nỗ lực tăng tỷ lệ hoàn thuế trước kiểm tra sau theo tinh thần tại Nghị quyết của Chính phủ, song việc hoàn thuế cũng được thực hiện theo các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo không sai sót.
“Ngành thuế phấn đấu số hồ sơ hoàn trước kiểm tra sau đến cuối năm 2016 đạt ít nhất 80%. Trong số đó, cơ quan thuế cũng sẽ lựa chọn tối thiểu 20% kiểm tra sau hoàn thuế trong 12 tháng. 20% kiểm tra trước khi hoàn thuế. Ngoài tỷ lệ này cũng có nhiều biện pháp trong đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ, đảm bảo đúng đối tượng”, bà Hải cho biết.
Trước lo ngại về tình trạng thiếu – thừa quỹ hoàn thuế ở các địa phương, đại diện cơ quan thuế cho biết, từ khi Thông tư 99 có hiệu lực, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế quản lý dự toán quỹ hoàn thuế tập trung trên toàn quốc.
Theo đó, quá trình chi hoàn được thực hiện một cách liên kết trên hệ thống điện tử, giám sát hàng ngày để nắm tiến độ và giải quyết hồ sơ. Qua đó, cơ quan thuế so sánh dự toán được giao để đánh giá dự toán còn lại. Nếu quỹ dự toán còn sẽ không còn nơi thừa nơi thiếu.
Về hoàn thuế điện tử, ngành thuế phấn đấu, trong giai đoạn 2016 - 2017, mục tiêu của ngành thuế là đến tháng 11/2016 sẽ thí điểm hoàn thuế điện tử tại 5 thành phố Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai.
Trả lời câu hỏi về việc triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử, liệu còn tình trạng người dân, doanh nghiệp phải đến cơ quan thuế để nộp tiền không, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, điều này phụ thuộc vào cả hai bên. Nếu người nộp thuế có hồ sơ đúng, tuân thủ pháp luật sẽ không cần đến cơ quan thuế, có thể qua cổng thông tin điện tử, sau 6 ngày làm việc cơ quan thuế sẽ xem xét và xử lý hồ sơ, ban hành quyết định hoàn thuế qua cổng thông tin điện tử.
“Thời gian đầu để yên tâm, doanh nghiệp sẽ vẫn có thể gửi thêm một hồ sơ qua đường bưu điện. Trong trường hợp kê khai không đúng, tuân thủ nộp thuế không tốt sẽ không tránh khỏi cơ quan thuế xuống trực tiếp kiểm tra doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tuân thủ của người nộp thuế”, bà Hải chỉ rõ.
Theo Việt Hà
VOV