Hơn 35% vốn vay ODA đổ vào ngành giao thông, chi phí vốn cao hơn thực tế
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) gửi Quốc hội về tình hình sử dụng vốn ODA giai đoạn 2011 - 2015, trong tổng số vốn ODA ký kết hơn 27,7 tỷ USD, vốn dành cho các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng đã chiếm hơn 35,7% (đạt 9,9 tỷ USD).
Đáng nói, trong cơ cấu vốn ODA bao gồm cả vốn (viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi), vốn viện trợ không hoàn lại đạt chưa đầy 5%, chiếm 1,25 tỷ USD thì vốn cho giao thông chỉ chiếm hơn 300 triệu USD. Như vậy, đa phần vốn của các tổ chức, các nước dành cho Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, đều là vay ưu đãi, có lãi suất và có thời gian trả lãi.
Ngoài chi phí cao, các dự án ODA trong thời gian qua cũng đang gây áp lực trả nợ lớn cho ngân sách hằng năm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các công trình giao thông có sử dụng vốn ODA đều là dự án lớn, có tầm quan trọng đặc biệt về phát triển kinh tế như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, Đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách quốc tế T2 Sân bay Nội Bài.
Ngoài những dự án hiệu quả, người đứng đầu Bộ KH&ĐT nêu ra thực trạng phân bổ vốn ODA và quản lý hoạt động của dòng vốn nay còn bất cập, có những sai phạm về quy định của pháp luật Việt Nam gây tác động không tốt đến dư luận xã hội và hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, vốn ODA của Việt Nam hiện nay hơn 95% là vốn vay có lãi suất từ 2 - 3%/năm, thời gian vay ngắn hơn từ dưới 20 năm, không có ân hạn trả lãi, gốc. Đồng thời, các đối tác ODA đều sử dụng hình thức chỉ định tổng thầu, chỉ định công nghệ, thiết bị do bên cung ứng vốn. Điều này làm cho chi phí dự án ODA tăng từ 2 - 3 lần so với dự án sử dụng vốn ngân sách hoặc dự án đầu tư hình thức hợp tác công tư PPP như BT, BOT, BTO.
Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh này, nếu các bộ, ngành và địa phương không sử dụng hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sẽ gián tiếp làm gia tăng nợ công, đặc biệt là tăng nợ Chính phủ vì nợ có bảo lãnh Chính phủ cho các ngành và địa phương.
"Hiện các khoản vay ODA thường đi kèm các điều kiện ràng buộc về mặt chính sách, giới hạn về lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị, gián tiếp dẫn đến chi phí vốn vay cao hơn thực tế và làm mất cơ hội tạo việc làm cho các nhà thầu trong nước", báo cáo của Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, từ năm 2011 đến 2015, vốn ODA viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam đã giảm sút nghiêm trọng từ hơn 400 triệu USD xuống chỉ còn hơn 30 triệu USD. Cụ thể, năm 2011, ODA viện trợ cho Việt Nam là 190 triệu USD, năm 2012, con số này tăng lên trên 420 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở đi, vốn viện trợ giảm không phanh từ mốc 380 triệu USD xuống còn dưới 40 triệu USD (năm 2015).
Về nguyên nhân tỷ lệ vốn viện trợ giảm mạnh, Bộ KH&ĐT cho rằng: Cơ cấu vốn ODA cho Việt Nam từ các tổ chức quốc tế đã và đang dịch chuyển sang vay ưu đãi thay vì viện trợ không hoàn lại. Việc giảm sút viện trợ là do Việt Nam đã chuyển từ trạng thái của nước thu nhập thấp, sang nước có thu nhập trung bình nên những ưu đãi về vốn đã không còn.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, số nợ phải trả phần lãi, gốc của các khoản vay ODA đến thời điểm hiện nay Việt Nam phải trả bình quân 1 tỷ USD/năm. Điều đáng nói, hiện các dự án ODA tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng. Các dự án này có tầm quan trọng đặc biệt, song thời gian thu hồi vốn dài, không thể thu hồi vốn thông qua các trạm thu phí như BOT hay thu qua đầu phương tiện. Chính vì thế, mỗi năm, ngân sách Nhà nước phải bố trí để trả cho các khoản vay này, điều này góp phần làm tăng bội chi ngân sách, tăng gánh nặng nợ quốc gia.
"Việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công, việc lập kế hoạch giải ngân vốn không phù hợp với tiến độ thực hiện chương trình, dự án theo các hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài, do vậy số vốn giải ngân thực tế thường cao hơn so với số kế hoạch đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước dẫn đến tình trạng hết năm phải trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch chi đầu tư phát triển", Bộ KH&ĐT khẳng định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/