|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 100.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Tây Nguyên

07:02 | 12/03/2017
Chia sẻ
Tây Nguyên đón dòng vốn kỷ lục lên đến hơn 100.000 tỷ đồng từ cam kết tín dụng và đầu tư của các ngân hàng, doanh nghiệp.

"Tây Nguyên vẫn như một cô gái đẹp cần đánh thức và chưa kịp chuyển mình với sự đổi thay của kinh tế - xã hội của đất nước".

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, tổ chức sáng ngày 11/3/2017 tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Thủ tướng cho rằng Tây Nguyên đang để mất rừng, mất nguồn nước, đặc biệt nguồn nước ngầm; môi trường sống xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, mất nhiều cơ hội đầu tư phát triển, tiềm năng chưa được khai thác đúng mức để nâng cao mức sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn Tây Nguyên có sự phát triển đột phá để xứng với tiềm năng. Ảnh: VGP

Tây Nguyên có 13 loại đất, trong đó có đến gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca… Riêng Tây Nguyên chiếm 80% diện tích cà phê cả nước. Đây là những cây công nghiệp quan trọng.

“Chúng ta vẫn xuất thô. Giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới”, Thủ tướng chỉ rõ và lấy ví dụ, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sản xuất theo thói quen là hạt tiêu đen. Trong khi hạt tiêu trắng và đặc biệt là hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt tiêu đen nhưng Việt Nam chưa sản xuất được bao nhiêu, chưa kể đến việc chế biến dược liệu từ cây hồ tiêu.

Hay với cây cà phê, sản xuất lớn thứ hai thế giới nhưng kim ngạch chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân. Với cao su, Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng 80% là xuất thô.

Về nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung quy mô lớn giá trị hàng hóa lớn bằng việc đi vào chế biến sâu và mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm.

Thủ tướng cũng cho rằng, Tây Nguyên cần liên kết với duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ, TPHCM và các vùng có thể tiêu thụ được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao của Tây Nguyên. Liên kết cả cơ sở hạ tầng, đặc biệt là liên kết du lịch.

Về tín dụng, khuyến khích vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc; có nhiều hình thức hỗ trợ như cấp bù lãi suất…

Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk phối hợp tổ chức đã thu hút trên 700 đại biểu trong nước và quốc tế; các tổ chức tài chính - ngân hàng, các nhà đầu tư.

Kết thúc hội nghị xúc tiến đầu tư, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng và đại diện các bộ ngành, ban tổ chức đã trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng dành cho các dự án với tổng số vốn hơn 29.000 tỷ đồng, trao thủ tục đầu tư cho các dự án với tổng vốn khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cam kết dành chương trình tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca tại tỉnh Đắk Nông. Trước đó, ngân hàng này đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cao Sơn