|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hàng chục nghìn bị hại vắng mặt trong phiên tòa vụ án Trịnh Văn Quyết

10:00 | 22/07/2024
Chia sẻ
Hà NộiTAND Hà Nội bắt đầu xét xử cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 người, song trong gần 100.000 người được tòa triệu tập chỉ khoảng 30 người tới.

7h ngày 22/7, 27 người bị tạm giam tại hai trại T16 và T17 Bộ Công an bị dẫn giải đến trụ sở TAND Hà Nội. Sau hai năm 4 tháng từ ngày bị bắt, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tóc chải mượt là bị cáo xuất hiện đầu tiên, một trong số ít các bị cáo không đeo khẩu trang.

Hiện, ông Quyết là người nộp khắc phục nhiều nhất trong số 50 bị cáo, hơn 212 tỷ đồng. Ba anh em ông Quyết bị kê biên hơn 2.400 m2 nhà đất tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội). Hàng trăm tài khoản chứng khoán của những người này với hàng triệu cổ phiếu đã bị phong tỏa.

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị áp giải đến TAND Hà Nội, sáng 22/7. Ảnh: Giang Huy

Với số lượng bị hại và người liên quan được triệu tập lên tới gần 100.000 người, TAND Hà Nội bố trí rạp và nhiều hội trường lớn, tổng sức chứa hơn 1.000 người. Song tới thời điểm bắt đầu thủ tục phiên tòa, chỉ khoảng 30 người có mặt và đều mong được lấy lại tiền đã mua cổ phiếu "họ FLC", do những mã này đã bị cấm giao dịch.

Theo cáo trạng 107 trang đang được đại diện VKS công bố, ông Quyết lập và làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC năm 2009, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ du lịch. Sau 11 năm, hệ sinh thái FLC có 82 công ty, 5 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

HĐXX triệu tập hơn 30.000 bị hại và 63.000 nhà đầu tư có liên quan đến phiên xét xử. Ảnh: Ngọc Thành

Năm 2014, ông Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế và cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC Doãn Văn Phương (đang bỏ trốn sang Anh) tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.

VKSND Tối cao cho rằng một số cựu cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HOSE biết sai phạm này, do "lo sợ, do quen biết, muốn tạo điều kiện" vẫn chấp thuận cho niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS.

Sai phạm kéo dài của các bị cáo trong năm 2014-2016 khiến nhà đầu tư chứng khoán lầm tưởng cổ phiếu ROS có giá trị thật. Từ đây, ông Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng. Hành vi này khiến ông Quyết bị truy tốLừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với tội Thao túng thị trường chứng khoán (năm 2017-2022), VKSND Tối cao cáo buộc ông Quyết chỉ đạo em gái Huế mượn giấy tờ của 45 người đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán để thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Cựu chủ tịch FLC được xếp ở băng ghế đầu tiên tại khu vực dành cho bị cáo. Ảnh: Xuân Hoa

Trong khi đó, em gái còn lại của ông Quyết, bị cáo Nga, với tư cách Phó Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần chứng khoán BOS, liên tục cấp hạn mức khống cho các tài khoản này mua cổ phiếu, dù không hề có tiền. Tổng số tiền được bà Nga cấp khống, qua hơn 1.500 lần, được xác định lên tới 170.000 tỷ đồng.

5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART liên tục được nhóm ông Quyết mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào lúc mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch. Nhóm đặt lệnh mua bán rồi hủy nhằm tạo cung cầu giả. Hành vi này giúp ông Quyết thu lợi 723 tỷ đồng.

Việc thao túng cổ phiếu AMD diễn ra trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực nên ông Quyết phải chịu trách nhiệm hình sự với 4 mã còn lại, tổng tiền 684 tỷ đồng. Ông Quyết và bà Huế phải nộp lại số tiền thu lợi từ mã AMD.

Trong cả hai sai phạm, ông Quyết đều bị xác định là chủ mưu, quyết định, chỉ đạo toàn bộ hành vi của các đồng phạm.

Nhóm phóng viên

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.