|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đồng loạt hồi phục, VN-Index tăng hơn 22 điểm

15:00 | 06/08/2024
Chia sẻ
VN-Index tạm thời lấy lại MA200, trả lại một phần cây nến giảm phiên hoảng loạn trước đó. Điều còn thiếu ở phiên hôm nay là chưa có sự bùng nổ về mặt thanh khoản.

Đóng cửa, VN-Index tăng 22,21 điểm (1,87%) lên 1.210,28 điểm, HNX-Index tăng 3,75 điểm (1,68%) đạt 226,46 điểm, UPCoM-Index tăng 1,43 điểm (1,585) đạt 92,22 điểm.

VN-Index đóng cửa ở mốc 1.210 điểm, tăng hơn 22 điểm so với phiên trước. Như vậy, VN-Index tạm thời lấy lại MA200, trả lại một phần cây nến giảm phiên hoảng loạn trước đó.

Điều còn thiếu ở phiên hôm nay là chưa có sự bùng nổ về mặt thanh khoản. Nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, thể hiện ở dòng tiền dịch chuyển chậm. Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 779 triệu đơn vị, tương đương 17.858 tỷ đồng.

Trên HOSE, thanh khoản giảm hơn 30% còn hơn 23.745 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 697 mã tăng (trong đó có 29 mã tăng trần), 209 mã giảm và 167 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, sàn HOSE ghi nhận 383 mã tăng, 58 mã giảm và 49 mã giữ giá không đổi.

Cổ phiếu nhóm ngân hàng vươn lên dẫn dắt đà tăng của VN-Index trong phiên chiều với nhiều mã tăng ấn tượng như PGB tăng 7,8% lên 16.500 đồng/cp, STB tăng 4,4%, TPB (+3,3%), MSB (+2,9%), LPB (+2,8%), VIB (+2,7%), OCB (+2,5%), …

Tương tự, cổ phiếu bất động sản đồng loạt hồi phục trong phiên chiều với sắc xanh, tím chi phối. Tại chiều tăng, một số mã kết phiên trong sắc tím trần là L14, TCG, LDG, ... nhiều cổ phiếu còn lại cũng tăng trên 3% như AGG, DXG, CEO, CII, GVR, ITA, NLG, DXS, NVL, …

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã khá dứt khoát vượt kháng cự 1.210 điểm, hướng tới target 1.215 – 1.220 điểm. Theo dự báo trước đó của công ty chứng khoán, đây cũng chính là vùng target đầu tiên cho nhịp hồi mà các nhà đầu tư trading T+ có thể lấy làm căn cứ để chốt lời hàng bắt đáy.

Tính đến 14h00, VN-Index tăng 20,5 điểm (1,73%) lên 1.208,57 điểm, VN30-Index tăng 19,32 điểm (1,57%) đạt 1.251,43 điểm.

Đà tăng tiếp tục được nới rộng trong phiên chiều nay. Thị trường phục hồi từ từ song khá ổn định và chưa có dấu hiệu rung lắc. Ở nhóm vốn hóa lớn, BID, VNM, GVR và MSN đang là những trụ đỡ tích cực kéo chỉ số. Dòng tiền phiên chiều tiếp tục tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giúp các mã này nở rộ tím trần như HNG, TCH, LDG, …

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 10,22 điểm (0,86%) lên 1.198,29 điểm, HNX-Index tăng 0,67 điểm (0,3%) đạt 223,38 điểm, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (0,45%) lên 91,2 điểm.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn tác động tích cực nhất đến VN-Index sáng nay là VNM, GVR, GAS, FPT, VCB. Trong số này, VNM với mức tăng 4,6% lên 72.600 đồng/cp đã trở thành trụ đỡ chính của thị trường phiên hôm nay với mức đóng góp hơn 1,7 điểm. Đứng thứ hai là GVR khi giúp VN-Index có thêm hơn 1 điểm, sau phiên giảm sàn trước đó, cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đã có nhịp tăng 3,3% trong phiên sáng nay.

Tại chiều giảm, bộ đôi cổ phiếu VIC và VHM vẫn là hai lực cản tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. Thị trường hồi phục trên diện rộng với nỗ lực tăng điểm được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành, tuy nhiên trên bảng điện không có nhiều mã tăng hơn 2%.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 448 mã tăng, 301 mã giảm và 197 mã giữ giá không đổi. Sàn HOSE ghi nhận 272 mã tăng, 123 mã giảm và 74 mã đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa với sắc xanh được ghi nhận ở PGB (+9,8%), STB (+3,3%), TPB (+2,1%), LPB (+1,8%), MSB (+1,5%), MBB (+1,3%), VIB (+1%), SHB (+1%). Một số mã tăng nhẹ hơn như BID, VPB, ACB, HDB, VCB, CTG với tỷ lệ dưới 1%. Trong khi đó, một vài đại diện dừng phiên sáng dưới ngưỡng tham chiếu như VBB (-2%), KLB (-1,7%), SGB (-1,5%), ABB (-1,3%), NVB (-1,1%), …

Một số cổ phiếu của công ty chứng khoán cũng ghi nhận hồi phục với APS, BVS, BSI, HCM, TCI, MBS, SHS, WSS tăng hơn 2%. Tại nhóm bất động sản, một số đại diện nới rộng sắc xanh về cuối phiên sáng như AGG (+5,4%), GVR (+3,3%), NLG (+2,8%), NVL (+2,7%), TCH (+2,1%), CII (+1,8%), DXG (+1,6%), KBC (+1,4%), …

Trong khi đó, QCG giảm 5,8% về 5.800 đồng/cp, cùng loạt mã chìm trong sắc đỏ như VPH (-3,7%), VGC (-2,3%), VIC (-1,2%), HTN (-1,2%), … Điều còn thiếu trong phiên sáng nay là sự hỗ trợ của dòng tiền. Thanh khoản phiên sáng duy trì ở mức trung bình với giao dịch toàn thị trường đạt gần 373 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 8.052 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE tăng gần 12% lên 7.370 tỷ đồng.

Tính đến 9h30, VN-Index tăng 5,48 điểm (0,46%) lên 1.193,55 điểm. HNX-Index tăng 0,71 điểm (0,32%) lên 223,42 điểm, UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (0,54%) đạt 91,28 điểm.

Sau phiên bán tháo đầu tuần, thị trường sáng nay hồi phục nhẹ với nhịp tăng hơn 9 điểm lúc mở cửa. Phiên đỏ lửa trước đó đưa nhiều cổ phiếu và chỉ số giảm về vùng quá bán, việc thị trường sớm xuất hiện nhịp hồi phục cũng là quán tính dễ thấy, tuy nhiên sắc xanh hồi phục lan tỏa khá đồng đều giữa các nhóm ngành cũng phần nào giải tỏa bớt tâm lý bi quan cho nhà đầu tư.

Nhóm vốn hóa lớn trở thành đầu tàu dẫn dắt cho xu hướng hồi phục của thị trường chung. VN30-Index hiện tăng hơn 11 điểm, rổ VN30 ghi nhận 27/30 mã giao dịch trên tham chiếu. FPT dẫn đầu đà tăng của nhóm với tỷ lệ 2,3% lên 121.300 đồng/cp, GVR sau khi chạm sàn phiên trước đã bật tăng 2% đầu phiên sáng nay. Cùng chiều, loạt bluechips tăng hơn 1% có thể kể đến như SSI, TPB, VIB, VJC, VNM, STB, VRE, ACB, MBB, SHB, SAB.

Ở nhóm bất động sản, một số cổ phiếu xuất hiện tín hiệu hồi phục đầu tiên như AGG xanh hơn 3%, TCH (+2,5%), NLG (+1,2%), HQC (+1,2%), CII (+1,1%), KBC (+1%), L14 (+0,7%), CEO (+0,7%), NVL (+0,5%), HDC (+0,4%), … Trong khi đó, LDG có lúc vẫn bị bán về giá sàn, QCG hiện giảm 6,2% xuống 5.780 đồng/cp, VPH mất 2,1% thị giá, cùng loạt mã đỏ nhẹ dưới tham chiếu như HTN, VIC, VPH, VGC, BID, HDG, SCR, VHM, HPX, …

Tại thị trường quốc tế, theo đà bán tháo trên toàn cầu, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên giao dịch đầy biến động, với chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm mạnh nhất trong gần hai năm.

Trong phiên giao dịch ngày 5/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 1.034 điểm, tương đương 2,6% và đóng cửa ở mức 38.703 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 3,43% và chốt phiên với 16.200 điểm. S&P 500 trượt 3% và kết thúc ở mức 5.186 điểm.

Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm điểm sâu nhất kể từ tháng 9/2022. Sau ba phiên bán tháo liên tiếp (từ 1/8 đến 5/8), mức giảm của Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt là 5,5%, 6,5% và 8,6%. Tổng cộng, Dow Jones đã mất tới 2.140 điểm so với phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7. 

Thu Thảo