|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng cho EVFTA

08:53 | 31/03/2020
Chia sẻ
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), ngày 30/3, Hội đồng châu Âu đã thông qua quyết định phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA).
Hội đồng châu Âu thông qua thủ tục cuối cùng cho EVFTA - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ Kí kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Quyết định này, về phía EU, sẽ mở đường cho Hiệp định bắt đầu đi vào hiệu lực.

Một khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực, thời gian dự kiến là vào đầu mùa Hè tới.

Ông Gordan Grlić Radman, Bộ trưởng ngoại giao và phụ trách các vấn đề châu Âu của Croatia - nước Chủ tịch luân phiên EU - cho biết Hiệp định này là văn bản thứ hai mà EU ký kết với một quốc gia Đông Nam Á, sau Singapore.

Đây cũng là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký với một quốc gia đang phát triển.

EVFTA quy định loại bỏ gần như hoàn toàn (99%) thuế hải quan giữa hai bên. 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ biến mất ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm.

Liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU, 71% thuế sẽ "biến mất" ngay khi Hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm.

EVFTA cũng giảm nhiều hàng rào phi thuế quan hiện có trong giao dịch thương mại với Việt Nam và mở ra các thị trường dịch vụ và mua sắm công của Việt Nam cho các công ty EU.

Thỏa thuận thương mại EU-Việt Nam còn có những điều khoản quan trọng về bảo hộ sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động và phát triển bền vững.

EVFTA còn bao gồm những cam kết về thực hiện các tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như các công ước của Liên hợp quốc, như liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay bảo vệ đa dạng sinh học.

Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được ký kết cùng lúc với EVFTA, vào ngày 30/6/2019, tại Hà Nội. EVIPA sẽ cần được tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn theo thủ tục quốc gia tương ứng trước khi có thể có hiệu lực.

Sau khi được phê chuẩn, nó sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 quốc gia thành viên EU hiện đang có với Việt Nam.

Kim Chung