Học sinh THCS, THPT cả nước trở lại trường sau kì nghỉ dài
Căn cứ bộ tiêu chí an toàn trường học trong dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các trường học đã phân công giáo viên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khuôn viên trường. Các cơ sở đào tạo cũng chuẩn bị xà phòng, nước rửa tay, thiết bị đo nhiệt độ.
Nhà trường đặc biệt chú ý phương án bố trí lớp học, giờ học để đảm bảo khoảng cách an toàn cho học sinh.
Giải bài toán giãn cách
TP.HCM thực hiện theo bộ tiêu chí an toàn trường học do UBND TP.HCM ban hành. Đa số trường học đều lên phương án chia nhỏ lớp để đảm bảo khoảng cách 1 m giữa các học sinh.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), thông tin tuần đầu, chỉ có học sinh lớp 12 đến lớp. Trường quyết định cho mỗi lớp học 3 buổi/tuần, xen kẽ nhau để tránh tập trung đông học sinh.
Mỗi học sinh ngồi riêng một bàn. Một lớp học được chia thành 2 phòng. Giờ tới trường, ra chơi, tan học đảm bảo chênh lệch 15 phút, chứ không đồng nhất như trước.
Tương tự, trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP.HCM) chuẩn bị nước rửa tay, đo thân nhiệt cho học sinh từ cổng. Các lớp học được chia thành 2 để đảm bảo giãn cách.
Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) kẻ vạch ngay từ cổng trường. Học sinh xếp hàng theo khoảng cách an toàn để đo thân nhiệt rồi lên thẳng lớp học.
Trong tuần đầu, chỉ học sinh lớp 9 và 12 tới lớp, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận cũng cố gắng đảm bảo giãn cách 1,5 m như yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận, cho hay sở bắt buộc các trường phải bố trí chỗ ngồi giữa 2 học sinh có khoảng cách 1,5 m, hoặc chia nhỏ lớp.
"Tuy nhiên, khi học sinh đồng loạt đi học trở lại, việc giữ được khoảng cách 1,5 m trong lớp học rất khó khăn, hầu như không khả thi, vì sĩ số trung bình 40 em/lớp. Thời điểm này, ngành giáo dục Bình Thuận bảo đảm không tập trung quá đông học sinh cùng một thời điểm", ông Thái nói.
Tại Thừa Thiên Huế, sở GD&ĐT cho biết một số trường có đủ cơ sở vật chất để chia nhỏ lớp. Còn lại, các trường khác giãn cách bằng việc tổ chức buổi học xen kẽ nhau.
Hoạt động theo bộ tiêu chí an toàn
Để chuẩn bị cho việc trở lại trường của học sinh, Bộ GD&ĐT đã đưa ra bộ tiêu chí để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, 15 tiêu chí áp dụng cho các hoạt động của học sinh trước, trong và sau khi học tập ở trường.
Các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn tay, khẩu trang và thiết bị đo thân nhiệt, phục vụ học sinh và cán bộ giáo viên khi trở lại trường học.
Một yêu cầu quan trọng để phòng dịch là giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa và sinh hoạt tập thể.
Căn cứ những tiêu chí này, các trường tự chuẩn bị và rà soát để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại. Các sở giáo dục địa phương đều tổ chức đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị, điều kiện vệ sinh của trường học trước ngày đón học sinh quay lại.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế nói trước khi đón học sinh trở lại, sở đã có công văn yêu cầu các trường phải thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT mới được mở cửa, tổ chức dạy học.
Để kiểm tra công tác chuẩn bị, đôn đốc việc phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lập 6 đoàn kiểm tra.
Ngoài việc kiểm tra các hoạt động chuẩn bị đón học sinh, đoàn kiểm tra còn nắm bắt vướng mắt, khó khăn của các cơ sở giáo dục khi thực hiện các tiêu chí đảm bảo an toàn trường học để kịp thời có phương án giải quyết.
Trong khi đó, tại TP.HCM, ngoài bộ tiêu chí an toàn trường học do UBND TP.HCM ban hành, sở GD&ĐT cũng có hướng dẫn thêm với các trường trong thời gian đầu tổ chức hoạt động dạy học trở lại.
Theo đó, sở yêu cầu trường học tạm thời không tổ chức hoạt động căn tin trong thời gian đầu học sinh trở lại trường cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Căn cứ nhu cầu của phụ huynh và điều kiện cụ thể của đơn vị, thủ trưởng các cơ sở giáo dục quyết định việc tổ chức với hoạt động bếp ăn, bán trú, đảm bảo an toàn theo quy định.