|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hoạt động mua bán-sáp nhập toàn cầu tăng đột biến trong quí 3

03:30 | 10/10/2020
Chia sẻ
Hoạt động M&A đã "bùng nổ” trong quí 3/2020 khi giới quản lí cấp cao đã lấy lại được tự tin và xem xét lại các giao dịch bị ngừng trệ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch.
Hoạt động mua bán-sáp nhập toàn cầu tăng đột biến trong quí 3 - Ảnh 1.

Vụ sáp nhập trị giá 16 tỉ USD giữa 'gã khổng lồ' ngành hàng xa xỉ Pháp LVMH với hãng trang sức Tiffany của Mỹ là 1 trong những thương vụ đình đám của năm. (Nguồn: cgtn.com)

Giới quan sát cho hay sau một giai đoạn “án binh bất động” vì đại dịch COVID-19, các công ty đang quay trở lại và tiến hành các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) khi họ đã có một cái nhìn rõ ràng hơn về tác động của đại dịch lên hoạt động kinh doanh của mình.

Theo báo cáo mới nhất của hãng thu thập và phân tích dữ liệu Refinitiv, hoạt động M&A đã “bùng nổ” trong quí 3/2020 khi giới quản cấp cao đã lấy lại được tự tin và xem xét lại các giao dịch bị ngừng trệ trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch.

“Cơn sốt” thỏa thuận trong tháng Chín đã đưa tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu trong quí vừa qua lên tới hơn 1.000 tỉ USD và tăng hơn 80% so với quí 2, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có khả năng “chống chịu” qua đại dịch như công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Trong quí 3, khối lượng giao dịch tại Mỹ tăng gấp ba lần lên 414 tỉ USD so với quí 2, còn tại châu Âu tăng 21% lên 231 tỉ USD và khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 67% lên 274 tỉ USD.

Refinitiv cho hay “cơn sốt” M&A trong quí 3 tạo ra động lực lớn nhất cho các vụ sáp nhập quy mô tầm trung.

Các giao dịch trong khoảng từ 5-10 tỉ USD đã tăng 24% kể từ đầu năm đến nay, trong khi các thương vụ trị giá hơn 10 tỉ USD đã giảm 37% vào cùng giai đoạn.

Báo cáo có nhắc tới nạn nhân mới nhất của đại dịch là vụ M&A trị giá 16 tỉ USD giữa “gã khổng lồ” ngành hàng xa xỉ Pháp LVMH với hãng trang sức Tiffany của Mỹ.

Tương lai của thương vụ này đang khá mờ mịt khi LVMH cho biết họ không thể đáp ứng thời hạn của thỏa thuận.

Mặc dù đó là một thiệt hại đáng kể cho hoạt động M&A xuyên Đại Tây Dương, “dòng chảy” M&A giữa Mỹ và châu Âu đã được bù đắp một phần nhờ thương vụ trị giá 40 tỉ USD của Nvidia mua lại công ty thiết kế chip Arm Holdings của Vương quốc Anh.

Các thương vụ lớn khác trên thế giới bao gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina) bán lại các đường ống dẫn dầu và khí đốt với giá 49 tỉ USD, hay quyết định chi 42 tỉ USD để đưa tập đoàn viễn thông đa quốc gia Altice hoàn toàn thuộc về tư nhân của người sáng lập Patrick Drahi.

Tuy nhiên, mức tăng đột biến trong quí 3 đã không thể bù đắp được sự trì trệ sau giai đoạn khởi đầu yếu ớt của năm nay.

Tính chung từ tháng 1-9/2020, tổng giá trị các thương vụ M&A toàn cầu đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2.200 tỉ USD. Trong số đó, các giao dịch tại Mỹ đạt tổng giá trị 800 tỉ USD, giảm 43% vào cùng giai đoạn.

Giới doanh nghiệp cho biết cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 3/11 tới là yếu tố khiến các công ty cân nhắc hoạt động M&A của mình.

Nhưng đà phục hồi kinh tế bền vững sẽ giúp kích thích hoạt động trên hơn nữa, bất kể người chiến thắng sau đại dịch COVID-19 là ai.


H.Thủy