|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hoàn thành cao tốc Đồng Đăng -Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng ngay trong 2025

20:57 | 14/11/2024
Chia sẻ
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi khảo sát thực địa về hai dự án này trong ngày 14/11.

Rút ngắn thời gian di chuyển Cao Bằng - Hà Nội còn 3,5 giờ

Ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát thực địa và có cuộc làm việc với yêu cầu hoàn thành hai dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn).

Hai dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Trong đó, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 được đầu tư hơn 93 km, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 69%. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28 km còn lại.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 93,6%, trong đó đoạn qua tỉnh Cao Bằng đạt 99%, đoạn qua tỉnh Lạng Sơn đạt 90%. Hai tỉnh đồng lòng phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao.

Dự án khởi công ngày 1/1/2024, dự kiến tổng sản lượng trong năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng, làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025 để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2026.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Còn dự án Hữu Nghị - Chi Lăng dài 60 km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 5.529 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2026.

Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị - Cốc Nam - Tân Thanh (Lạng Sơn) đến các trung tâm kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Bắc Ninh, kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần tăng cường thông thương trong nước và quốc tế, cùng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đồng bộ toàn mạng lưới cao tốc phía Bắc, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác chung.

Dự án khởi công tháng 4/2024, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 67%, phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng. Dự án đã huy động 570 nhân sự, 350 đầu xe máy móc thiết bị, triển khai 30 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 595 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn đạt 1.450 tỷ đồng.

Tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư 2 dự án nêu một số kiến nghị liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư, cơ chế tài chính hợp tác công tư, vay vốn tín dụng từ các ngân hàng…

Lãnh đạo Đèo Cả cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập đoàn với sự hỗ trợ của hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng đã hoàn thành Trung tâm Đào tạo huấn luyện thực hành Đèo Cả nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ nơi có dự án đi qua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thống nhất với phương án đầu tư giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh theo hình thức PPP, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư, nhà đầu tư thu xếp 30% còn lại (tương tự giai đoạn 1).

Thủ tướng khảo sát thực địa hai dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng -Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng. (Ảnh: VGP).

Thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm 2025

Phát biểu tại buổi khảo sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai dự án cao tốc dài hơn 150 km rất quan trọng để kết nối hai tỉnh, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô với miền núi phía Bắc.

Đặc biệt là kết nối quốc gia, nối tuyến cao tốc từ Cao Bằng - Lạng Sơn tới Hà Nội, thông tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam tới tận mũi Cà Mau, góp phần thực hiện mục tiêu tới năm 2025, cả nước có ít nhất 3.000 km cao tốc và năm 2030 có 5.000 km cao tốc; đồng thời kết nối quốc tế với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng yêu cầu thần tốc hoàn thành hai dự án trong năm 2025, góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống người dân và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhất trí triển khai ngay giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm 2026 theo hình thức PPP với 4 làn hoàn chỉnh; đồng thời cần đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành.

Thủ tướng nêu rõ: "Phải đột phá về hạ tầng thì mới có thể tăng trưởng kinh tế 2 con số mỗi năm, mới hoàn thành được 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra".

Về nguồn vốn tín dụng cho hai dự án, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tích cực tham gia 2 dự án với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Giao thông vận tải làm việc với 2 ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan ngay trong tháng 11/2024 để giải quyết các vấn đề liên quan, triển khai các công việc cụ thể.

Hạ An

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.