|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hoán đổi nợ thành cổ phần: Giải pháp “kích niềm tin”

14:21 | 25/10/2016
Chia sẻ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan quản lý nên tập trung vào giải pháp tạm ứng ngân sách để xử lý nợ qua cánh cửa VAMC. 

Cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 với sự lao dốc của các tài sản đảm bảo nợ dưới chuẩn đã gây sóng gió cho toàn hệ thống ngân hàng Mỹ. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra trong đó có các gói cứu trợ khổng lồ trị giá 700 tỉ USD và những giải pháp hoán đổi nợ. Giải pháp này mới đây đã được đề cập tại Việt Nam khi Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó đưa ra đề xuất các tổ chức tín dụng có thể hoán đổi nợ xấu thành cổ phần của doanh nghiệp. Dự thảo ngay lập tức tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, giới ngân hàng và cả những doanh nghiệp đang vướng nợ.

Theo dự thảo, chủ thể chính của quá trình thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp là chỉ được áp dụng chuyển đổi với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được các tổ chức tín dụng xử lý bằng dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, theo khảo sát ban đầu của NCĐT, có 2 luồng ý kiến xuất phát từ sự ủng hộ của nhóm có lợi ích liên quan (gồm các doanh nghiệp có tỉ trọng nợ xấu cao và các ngân hàng đang muốn tái cơ cấu dứt điểm nợ xấu) và ý kiến trái chiều từ nhóm các chuyên gia kinh tế cũng như giới trí thức.

Nhóm ý kiến đồng tình với dự thảo ủng hộ quy định rằng tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính. Như vậy, có thể thấy ngay room để chuyển đổi nợ này khá rộng chỗ cho các ngân hàng tiến hành “cơ cấu” lại bảng cân đối kê toán, giảm nguồn tiền để duy trì hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR theo quy định và “làm đẹp” được chỉ số tăng trưởng tổng tài sản trong năm tài chính.

Bởi lẽ, nếu quy định dự thảo được áp dụng, các ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng 100% rủi ro mất vốn với các khoản nợ nhóm 5. Việc trích lập sẽ khiến ngân hàng trong một thời gian dài mất đi chi phí cơ hội, do một phần vốn lưu động đáng lẽ được đưa vào kinh doanh thì lại phải “nằm yên” trong hạng mục chi phí dự phòng rủi ro. Hơn nữa, dự thảo, nếu được thông qua, sẽ cho phép các ngân hàng từ chỗ là “chủ nợ” (có nguy cơ mất trắng) sẽ trở thành “chủ sở hữu” một phần các doanh nghiệp hoán đổi nợ.

Điều đó cũng sẽ giúp hạng mục tài sản trên bảng cân đối của các ngân hàng tăng lên đáng kể, bất chấp về mặt bản chất các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ và những bất hợp lý về việc định giá cổ phần chuyển đổi. “Tôi mong dự thảo này được thông qua vì đây là chính sách giúp khơi thông hạn mức tín dụng của chúng tôi trên thị trường liên ngân hàng, đặc biệt là với khối ngoại”, Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM cho biết. Theo ông, vào thời điểm 3-4 năm trước, hạn mức tín dụng của một ngân hàng khối ngoại cấp cho ngân hàng của ông thường dao động từ 50-70 triệu USD thì giờ đây đã bị thắt chặt chỉ còn 1/3. Điều này gián tiếp khiến nguồn USD tiền mặt không còn được dư dả rót vào các khoản tín dụng ngoại tệ, khiến ngân hàng của ông bị “bốc hơi” một phần doanh thu.

Rõ ràng, cải thiện niềm tin nước ngoài vào hạn mức tín nhiệm, từ đó khơi thông các khoản tín dụng chéo giữa nhóm ngân hàng ngoại với các ngân hàng nội tầm trung và gia tăng các nghiệp vụ thị trường mở với Ngân hàng Nhà nước chính là lợi ích có thể đem lại cho các tổ chức tín dụng nếu dự thảo được thông qua.

Đối với các doanh nghiệp có nợ xấu, dự thảo này mang lại hy vọng hồi sinh vì lẽ hiển nhiên, họ kỳ vọng vào một luồng tiền mới được bơm vào từ các tổ chức tín dụng để vực dậy tình hình kinh doanh yếu kém hiện tại.

Theo chia sẻ của Giám đốc một công ty thép đang có nợ xấu thuộc nhóm 5 tại Vũng Tàu, nếu ngân hàng trở thành chủ sở hữu một phần của công ty thì sẽ giúp ban điều hành trút được gánh nặng nợ và có thêm thời gian để tái cấu trúc. Bởi khi đó, thay vì lo sợ bị tịch biên tài sản máy móc, dây chuyền sản xuất, họ sẽ có cơ hội khôi phục sản xuất nhờ có thêm dòng vốn mới từ ngân hàng rót vào, mà theo ông là “không cần nhiều nhưng đủ để thay đổi cục diện”.

hoan doi no thanh co phan giai phap kich niem tin

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã lấy ý kiến dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng. Ảnh: wikimedia.org

Có thể nói, chính sách này ở một góc độ hẹp đã gián tiếp là giải pháp ngắn hạn cho bài toán hình thành thị trường mua bán nợ xấu. Bởi lẽ, trong một kịch bản thuận lợi, sau vài năm vực dậy doanh nghiệp, ngân hàng cũng tìm được lối ra và có thể thu lại một phần số vốn tín dụng (đáng lẽ đã trắng tay), nếu họ chuyển nhượng cho một người mua mới khi thoái vốn cổ phần.

Khác với nhóm tổ chức có lợi ích liên quan, hầu hết các chuyên gia kinh tế và giới trí thức lại không mấy ủng hộ dự thảo này. Đầu tiên, phải kể đến việc trước đây Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép ngân hàng đầu tư vượt quá 11% vốn điều lệ vào một doanh nghiệp. Từ năm ngoái khi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực thì các ngân hàng không được cấp quá 5% vốn tự có cho một khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chuyển nợ xấu thành vốn góp thông qua nhận cổ phiếu phát hành riêng lẻ thì tỉ lệ được nhận sở hữu trên thực tế của các ngân hàng tại doanh nghiệp “con nợ” thậm chí còn thấp hơn mức 11% quy định trước đó. Nói cách khác, cổ phần sở hữu của các ngân hàng bị phân mảnh nhỏ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khi ngân hàng không nắm đủ số cổ phần lớn chi phối hoạt động của doanh nghiệp (trong khi kiến thức chuyên môn của ngân hàng về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp cũng hạn chế) thì khó có thể tạo nên kỳ tích biến doanh nghiệp đang thua lỗ trở thành kinh doanh có lãi. Đối với các ngân hàng, rủi ro gia tăng thêm nợ xấu là rất lớn, nếu họ tiếp tục rót vốn cứu nguy cho doanh nghiệp mà cuối cùng vẫn không thay đổi được cục diện tại doanh nghiệp đó.

Cũng theo ông Hiếu, thay vì giải quyết nợ xấu đi theo đường vòng khi chuyển đổi nợ thành cổ phần, cơ quan quản lý nên tập trung vào giải pháp tạm ứng ngân sách để xử lý nợ qua cánh cửa VAMC. Theo đó, thay vì để cho các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm về việc thu hồi nợ xấu với kỳ vọng sẽ thu được lợi ích trong tương lai dưới dạng sở hữu cổ phần thì Chính phủ, với uy tín và các công cụ quản lý đa dạng hơn so với tổ chức tín dụng, nên là đơn vị chịu trách nhiệm dứt điểm nợ xấu bằng cách tạm ứng ngân sách và thu hồi lại tiền trong tương lai.

Còn nhớ, trào lưu “đổi nợ lấy cổ phần” rộ lên vài năm trước với sự tham gia của 3 chủ nợ khi đó là VPBank, VietinBank và TPBank. Theo đó, các ngân hàng này hoán đổi món nợ trên 100 tỉ đồng để lấy cổ phần của Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn, thuộc tổng công ty mẹ Vinalines, đang mất khả năng chi trả nợ. Đầu tháng 10 vừa qua, sau hơn 1 năm thực hiện công cuộc chuyển nợ thành cổ phần, Ngân hàng VPBank (nắm giữ 7,44% vốn điều lệ, theo giá trị sổ sách là 185 tỉ đồng) và VietinBank (9,07% vốn điều lệ, tương đương trên 225 tỉ đồng) đã đồng loạt gửi tờ trình xin thoái toàn bộ vốn góp tại đây.

Theo công bố của Cảng Sài Gòn, việc phải hạch toán các khoản lỗ trước cổ phần hóa vào báo cáo tài chính sau cổ phần hóa tại các công ty liên kết như SSIT, SP-PSA và CMIT tại Cụm cảng số 5 Nam bộ tính đến hết năm 2015 (hơn 1.000 tỉ đồng) đã khiến lợi nhuận sau thuế vốn đã ít ỏi của Cảng Sài Gòn giảm mạnh và vốn chủ sở hữu đến hết năm 2015 cũng giảm tương ứng. Mức vốn này đã giảm từ 2.339 tỉ đồng xuống còn 1.300 tỉ đồng, giá trị cổ phiếu vì thế cũng giảm theo, ảnh hưởng đến giá trị vốn góp của các cổ đông. Hiện hành trình tìm kiếm nhà đầu tư thế chỗ cho 2 ngân hàng này vẫn còn gian nan.

Theo An Cầm