|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hoa Sen và kế hoạch trở lại đường đua

10:32 | 13/01/2019
Chia sẻ
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt nhưng Tập đoàn Hoa Sen mạnh dạn đề ra kế hoạch lãi sau thuế 2019 đạt 500 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt lãnh đạo của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) bao gồm Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, thành viên Ban Kiểm toán nội bộ ... đăng kí mua vào gần 2 triệu cổ phiếu HSG.

Ban lãnh đạo muốn mua vào được coi là động thái thể hiện lòng tin của ban lãnh đạo vào triển vọng phát triển của công ty và thường có tác động tích cực tới giá cổ phiếu.

Tuy vậy, cổ phiếu HSG của Hoa Sen vẫn chưa có những đột biến theo chiều hướng khả quan. Kết thúc phiên 11/1/2019 ở 6.700 đồng, giảm 72% so với thời điểm đầu 2018. Vậy điều gì đã khiến Hoa Sen chưa thể lấy lại niềm tin của nhà đầu tư như vậy?

hoa sen va ke hoach tro lai duong dua
Diễn biến giá cổ phiếu HSG trong một năm. (Nguồn: VNDirect).

Kinh doanh thua lỗ, Hoa Sen nói gì?

Từ chỗ là doanh nghiệp đứng đầu ngành tôn, mỗi năm báo lãi hàng trăm tỉ đồng, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen trong ba năm gần đây có dấu hiệu sa sút. Tuy doanh thu thuần vẫn tăng nhưng lợi nhuận gộp cũng như lợi nhuận ròng lại đi xuống, quý kết thúc ngày 30/9/2018 vừa qua công ty còn lỗ ròng 102 tỉ đồng.

hoa sen va ke hoach tro lai duong dua
Kết quả hoạt động kinh doanh của Hoa Sen tính theo niên độ tài chính (1/10 - 30/9).

Đánh giá nguyên nhân kinh doanh kém hiệu quả, Hoa Sen cho rằng lợi nhuận năm giảm mạnh xuất phát từ những diễn biến bất ổn của tình hình kinh tế xã hội nói chung và thị trường ngành thép nói riêng. Những nguy cơ tiềm ẩn về sự mất ổn định của thị trường đã bộc lộ và bước đầu gây nên những tác động không khả quan đối với các doanh nghiệp thép.

Theo Hoa Sen, có ba yếu tố bên ngoài tác động đến hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn. Thứ nhất là nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) biến động bất thường, lập đỉnh vào tháng 3 nhưng giảm đột ngột vào tháng 4.

Nhịp tăng của giá HRC lại rơi vào thời điểm Tập đoàn cần mua bổ sung nguyên liệu để phục vụ sản xuất dẫn đến giá vốn tăng và buộc Hoa Sen phải tăng giá vốn. Tuy nhiên, giá HRC lại giảm đột ngột đã gây áp lực lên giá bán, dẫn đến Tập đoàn không thể tăng giá bán vào những tháng sau đó.

Bên cạnh đó, năm 2018 cũng chứng kiến sự tăng mạnh của giá kẽm và hợp kim nhôm kẽm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí mạ đối với sản phẩm, cũng như giá vốn của Tập đoàn.

Đối với thị trường xuất khẩu, chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung và các cuộc xung đột thương mại dẫn đến các quốc gia đồng loạt dựng lên các rào cản thương mại, tăng cường bảo hộ nền kinh tế. Điều này làm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu giảm mạnh và hoạt động xuất khẩu trở nên khó khăn.

Nhu cầu giảm kéo theo giá bán giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu không thể tăng giá bán, trong khi giá vốn đầu vào lại quá cao, làm thu hẹp biên lợi nhuận xuất khẩu.

Ngoài ra, tỷ giá biến động mạnh làm tăng giá vốn đối với những doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu cũng như làm tăng các khoản chi phí phục vụ xuất khẩu (như chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế, chi phí lãi vay ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá…). Do vậy, lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu cũng giảm.

Thứ ba là thị trường trong nước. Năm 2018 chứng kiến nguồn cung trên thị trường tôn thép gia tăng dẫn đến cung vượt cầu và làm giá bán nội địa giảm mạnh. Sự cạnh tranh diễn ra gay gắt do nhiều doanh nghiệp thép tăng công suất, chuyển hướng vào nội địa và các sản phẩm thép giá rẻ của nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hoa Sen cho rằng lợi nhuận gộp giảm mạnh do giá vốn quá cao, mà giá bán lại không thể tăng kịp giá vốn. Giá vốn cao dẫn đến giá trị hàng tồn kho cao và buộc doanh nghiệp tăng dư nợ ngắn hạn.

Ngoài ra, việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cũng làm tăng dự nợ trung và dài hạn. Mà dư nợ tăng, kết hợp với lãi suất tăng và tỷ giá không ổn định khiến chi phí lãi vay tăng cao.

Do hệ thống phân phối phải được mở rộng và phát triển để ứng phó với những diễn biến bất lợi của thị trường, nên quy mô hoạt động của Tập đoàn ngày càng tăng trưởng, làm tăng các nhóm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Liệu Hoa Sen có tự mình vực dậy sau “cơn bão”?

Dù lãi sau thuế niên độ 2017-2018 chỉ đạt 410,2 tỉ đồng, giảm 69% và bằng 30,4% kế hoạch năm nhưng mới đây HĐQT Hoa Sen đã mạnh dạn, dự kiến trình cổ đông xem xét, thông qua kế hoạch kinh doanh 2019 với lợi nhuận sau thuế 500 tỉ đồng, tăng 22%.

Đây được xem là một thách thức lớn của Hoa Sen khi thị trường ngành thép năm 2019 được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều bất lợi.

Việc các nền kinh tế lớn có xu hướng leo thang trong các cuộc xung đột thương mại, bảo hộ sản xuất, phá giá tiền tệ, cộng với những bất ổn đối với tình hình kinh tế chính trị thế giới sẽ tiếp tục có thể là những nguyên nhân làm cho giá thép nguyên liệu biến động khó lường, gây ảnh hưởng đến giá vốn của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Mặt khác, hoạt động xuất khẩu thép được dự báo ngày càng khó khăn do các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ sản xuất nội địa tư các quốc gia nhập khẩu thép và tình hình tỷ giá biến động ổn định.

Theo đánh giá của Chứng khoán KIS Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái và những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại, có khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách bảo vệ môi trường và duy trì đầu tư công để hạn chế các cú sốc kinh tế trong năm 2019. Trong trường hợp đó, sản lượng thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục cao, ảnh hưởng tiêu cực đến giá thép toàn cầu.

Mặt khác, năm 2019 CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) bắt đầu tham gia thị trường tôn mạ bằng cách đưa nhà máy tôn mạ ở tỉnh Hưng Yên vào hoạt động. Chứng khoán Kis cho rằng, điều này sẽ làm tình hình dư cung hiện nay tiếp tục nghiệm trọng. Công suất thiết kế của nhà máy tôn mạ là 400.000 tấn, tương đương 10% lượng tiêu thụ thị trường tôn mạ năm 2017.

Ngày 14/1 tới đây, Hoa Sen sẽ tổ chức Đại hội cổ đông để thảo luận về kết quả kinh doanh năm qua cũng như kế hoạch kinh doanh năm tới. Đây là dịp để Ban lãnh đạo Tập đoàn giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của cổ đông và nhà đầu tư về khó khăn và triển vọng của Tập đoàn trong thời gian tới.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyễn Đức