|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hoa quả vỉa hè: Có thật xuất xứ trong nước?

19:01 | 31/10/2016
Chia sẻ
Dọc các tuyến đường Hà Nội, có thể thấy nhiều hàng hoa quả được bày bán trên xe thồ hoặc ngay trên vỉa hè. Nếu được hỏi về xuất xứ các loại quả thì người bán đều quảng cáo đây là các loại quả chính vụ của một địa phương nào đó trong nước. Nhưng thực hư về nguồn gốc và chất lượng các loại quả này thì không hề có một chứng nhận chính xác.
hoa qua via he co that xuat xu trong nuoc
Người tiêu dùng cần tạo thói quen mua hoa quả đóng gói có chứng nhận trên bao bì (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Hết táo đá Hà Giang đến hạt dẻ Trùng Khánh

Đi dọc các tuyến phố của Hà Nội như đê La Thành, Pháo đài Láng, Hồ Tùng Mậu, Giải Phóng, Lê Văn Lương… và một số chợ dân sinh, phóng viên nhận thấy rất nhiều gánh hàng rong, xe thồ, quầy hàng bán một loại táo có màu nâu hơi tím, có chỗ vỏ còn xanh và kích cỡ trung bình. Nếu hỏi về nguồn gốc loại táo này, hầu hết những người bán hàng đều giới thiệu là táo đá Hà Giang hay táo đá Sa Pa thứ thiệt. Hiện trên thị trường, loại táo đá này được bán với giá khá mềm, chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/kg.

Khi được hỏi để xác thực nguồn gốc loại táo này, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang khẳng định, trên địa bàn tỉnh không có vùng nào trồng táo đá. Hầu hết các loại táo được bán trên thị trường Hà Giang đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, được chuyển về qua đường tiểu ngạch.

Khẳng định thêm, ông Hà Quang Thưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau hoa quả (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, Bộ NN&PTNT) cho biết, cây táo (loại trái to, không phải giống táo ta) có thể trồng được ở một số vùng ôn đới của các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang… Tuy nhiên, ở tất cả các địa phương này đều chưa phát triển vùng trồng táo mà chỉ trồng đơn lẻ trong hộ gia đình, tỉ lệ đậu quả thấp.

Ông Thưởng cho biết thêm, hiện nay, đang có dự án trồng thử nghiệm táo Hàn Quốc tại một số vùng có không khí lạnh như thị xã Sa Pa (Lào Cai), song quy mô rất nhỏ. Mỗi cây chỉ có ít quả và chưa đủ sản lượng bán ra thị trường.

Sau câu chuyện táo đá, vào lúc trời chuyển lạnh, người dân Thủ đô lại dễ dàng tìm thấy trên đường phố nhiều điểm bán hạt dẻ tươi hoặc hạt dẻ đã được làm chín, nóng hổi. Cũng theo quảng cáo của người bán thì đây là hạt dẻ Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), vốn nổi tiếng thơm ngon và được người dân Cao Bằng coi như một sản vật quý hiếm.

Theo ông Đoàn Hải Vân, Chủ tịch UBND xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, toàn xã có khoảng 10ha trồng cây dẻ, sản lượng đạt được rất thấp. Bình quân, mỗi cây chỉ cho trung bình 5-7 kg quả. Với mật độ 80-100 cây/ha, sản lượng toàn xã cũng chỉ được trên 4 tấn hạt mỗi vụ.

Ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng thì khẳng định: “Năm 2016 hạt dẻ không được mùa nên sản lượng hạt dẻ Trùng Khánh rất khiêm tốn. Lượng hạt dẻ thường không đủ bán ra ngoài thị trường nên việc hạt dẻ Trùng Khánh bán tại Hà Nội là rất hiếm, mà thường là hạt dẻ Trung Quốc”. Điều đáng nói, nếu hạt dẻ Trùng Khánh bán tại vườn đã lên tới 80.000 đồng/kg, đầu mối đổ buôn lên tới 100.000 đồng/kg thì hạt dẻ Trung Quốc rẻ hơn nhiều.

Cần tìm loại quả có chứng nhận được xuất xứ

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2015, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh miền Trung đã kiểm tra, xử lý, thu giữ và bán phát mại trên 79 tấn hoa quả nhập lậu các loại. Trong 3 tháng đầu năm 2016, thu giữ và bán phát mại gần 11 tấn hoa quả nhập lậu các loại.

Ông Tín cho biết, đối với hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa có nhãn ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, lực lượng quản lý thị trường sẽ xử lý, tùy mức độ nhưng trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Thông tin chúng tôi cập nhật là thông tin tổng hợp từ kiểm dịch của địa phương. Các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào các giấy tờ này để kiểm tra, truy xuất xuất xứ”.

Tuy vậy, những loại hoa quả như táo đá và hạt dẻ nói trên đều là những loại hoa quả nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Việc vận chuyển tiểu ngạch qua các đường mòn lối mở tại các vùng biên giới gây khó khăn cho công tác kiểm dịch. Khi hàng đã về đến Việt Nam thì tập trung chủ yếu ở các chợ đầu mối của các địa phương. Chính vì vậy, việc kiểm soát ngay tại địa phương số lượng hàng này là “lá chắn” mạnh mẽ nhất để bảo vệ người tiêu dùng.

Để kiểm soát tốt tình hình, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 1630/KH-BCT về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, giám sát, đôn đốc lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế-xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo trong trường hợp cần thiết, người tiêu dùng khi mua hoa quả nhập khẩu cần yêu cầu nơi bán xuất trình một số giấy tờ như sau: Giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng; tờ khai hải quan và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ do nước xuất khẩu cấp... Khi nghi ngờ các cơ sở kinh doanh hoa quả nhập khẩu có hành vi lừa dối khách hàng, người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý.

Đây chính là “cây gậy quyền lực” người tiêu dùng được trao để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Còn nếu tiếp tục dễ dãi với việc truy xuất nguồn gốc thì những hoa quả trôi nổi thì thị trường Việt Nam vẫn luôn là “mảnh đất màu mỡ” cho hoa quả kém chất lượng mặc sức tung hoành.

Đỗ Hương