Hòa Phát giải thích về khối nợ vay hơn 41.300 tỉ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), tổng nợ vay ngân hàng tại ngày 31/3 là 41.343 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 21.100 tỉ đồng, vay dài hạn 20.243 tỉ đồng.
So với thời điểm đầu năm 2020, vay ngắn hạn tăng 4.263 tỉ đồng, vay dài hạn tăng 401 tỉ đồng, suy ra tổng nợ vay tăng 4.664 tỉ đồng.
Nếu so với một năm trước (31/3/2019), tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát thời điểm cuối quí vừa qua tăng 10.864 tỉ đồng. Chi phí lãi vay trong quí I năm nay là 481 tỉ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kì năm 2019.
Tỉ lệ nợ vay/tổng tài sản của Hòa Phát nhích từ 35,9% tại ngày 31/3/2019 lên lên 36% vào ngày cuối năm 2019 và lên 38,6% vào ngày 31/3/2020.
Trong thông cáo phát ra mới đây, Hòa Phát cho biết thực vay ròng của công ty thời điểm 31/3 chỉ là 36.179 tỉ đồng do Hòa Phát có 5.164 tỉ đồng tiền gửi có kì hạn tại các ngân hàng. Tỉ lệ vốn vay ròng so với vốn chủ sở hữu (Net Debt/Owner's Equity) tại ngày 31/3 là 0,72 lần.
Hòa Phát dẫn số liệu trong Báo cáo quản trị nội bộ tuần cuối tháng 4/2020 cho thấy tỉ lệ vốn vay ròng so với vốn chủ sở hữu đã giảm xuống còn 0,66 lần, tỉ lệ vốn vay ròng so với tổng tài sản (Net Debt/Total Assets) là 0,31 lần.
Tiền gửi có kì hạn tại các ngân hàng của Hòa Phát tuần cuối tháng 4/2020 là hơn 6.200 tỉ đồng.
"Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp từ sau Tết Nguyên đán, đặc biệt Việt Nam thực hiện chính sách cách li xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tháng 4, Hòa Phát nằm trong số hiếm doanh nghiệp có lượng tiền mặt dự trữ lớn như vậy", tập đoàn thép này khẳng định. "Các con số này cho thấy quản trị tài chính của Hòa Phát rất chặt chẽ, an toàn".
Trong quí I vừa qua, Hòa Phát đạt doanh thu thuần đạt 19.233 tỉ đồng, tăng trưởng 28,5% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận gộp tăng trưởng 43,6% lên 3.763 tỉ đồng.
Chi phí tài chính (trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay) nhảy vọt 241% lên 823 tỉ đồng, do vậy tốc độ tăng của lãi sau thuế thấp hơn so với lợi nhuận gộp, đạt 27,3%.