Đại gia ngành thép báo lợi nhuận tăng mạnh dù thị trường nguội lạnh
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong quí I/2020 các doanh nghiệp đã sản xuất được gần 5,73 triệu tấn thép các loại, giảm 6% so với cùng kì 2019. Sản lượng tiêu thụ đạt 5,03 triệu tấn, giảm 12,4%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại chỉ đạt 1,02 triệu tấn, giảm hơn 21%.
Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn dịch COVID-19 lan rộng đã khiến cho hoạt động kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng bị đình trệ không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, dẫn tới nhu cầu thép sụt giảm.
Tác động của COVID-19 tới doanh nghiệp thép nhiều khả năng sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh quí II do thời gian giãn cách xã hội được áp dụng trong tháng 4 dài hơn trong tháng 3, các biện pháp cũng gắt gao hơn. Ví dụ, mọi công trình xây dựng tại Hà Nội bị tạm dừng trong đợt cao điểm phòng chống COVID-19 từ ngày 1/4 đến 15/4.
Sau khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, thị trường cũng cần thêm một khoảng thời gian mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Hòa Phát tăng trưởng cả thị phần, doanh thu, lợi nhuận
Trong quí I vừa qua, Hòa Phát đạt doanh thu thuần đạt 19.233 tỉ đồng, tăng trưởng 28,5% so với cùng kì năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng chậm hơn đã giúp cho lợi nhuận gộp vọt lên gần 44%, ghi nhận 3.763 tỉ đồng.
Chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng sốc 241% lên 823 tỉ đồng, do vậy lợi nhuận sau thuế tăng trưởng với tốc độ thấp hơn lợi nhuận gộp ở mức 27%, ghi nhận 2.305 tỉ đồng.
Tại ngày 31/3/2020, tổng nợ vay ngân hàng của Hòa Phát là 41.343 tỉ đồng. So với đầu năm, tổng nợ vay tăng 4.664 tỉ đồng. Nếu so với một năm trước (31/3/2019), tổng nợ vay của Hòa Phát đã tăng 10.864 tỉ đồng.
Liên quan đến hoạt động vay nợ, Hòa Phát mới đây ra thông cáo cho biết thực vay ròng tại ngày 31/3 chỉ là 36.179 tỉ đồng do công ty có 5.164 tỉ đồng tiền gửi có kì hạn tại các ngân hàng. Tỉ lệ vốn vay ròng so với vốn chủ sở hữu thời điểm cuối tháng 3 là 0,72 lần và vào cuối tháng 4 là 0,66 lần. "Các con số này cho thấy quản trị tài chính của Hòa Phát rất chặt chẽ, an toàn".
Trong ba tháng đầu năm 2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.433 tấn (chưa kể phôi thép), tăng 5,1% so với cùng kì năm ngoái.
Trong bối cảnh tiêu thụ toàn ngành sụt giảm, việc Hòa Phát gia tăng sản lượng bán ra đã giúp tập đoàn này gia tăng thị phần từ 26,2% trong năm 2019 lên 31,9% trong quí I/2020.
Theo CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), tăng trưởng này đạt được là nhờ nỗ lực thúc đẩy doanh thu bán hàng tại khu vực phía Nam và thị trường xuất khẩu thay vì chỉ dựa vào thị trường phía Bắc như trước đây.
Giá bán thép xây dựng giảm bình quân 9,6% còn 11,4 triệu đồng/tấn trong quí I/2020 nhưng bù lại giá than cốc đầu vào đi xuống. Theo VSA, giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Úc (giá FOB) ngày 10/4, khoảng 120 USD/tấn, giảm khoảng 20-25 USD/tấn so với đầu tháng 3/2020.
Ngoài thép, mảng nông nghiệp cũng đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh quí I của Hòa Phát với các sản phẩm như trứng gà, thịt bò Úc, thức ăn chăn nuôi, ...
Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu thuần mảng thép tăng trưởng 30% so với cùng kì 2019 trong khi doanh thu mảng nông nghiệp tăng 58,5%. Tỉ trọng doanh thu của mảng nông nghiệp tăng từ 11,7% trong quí I/2019 lên thành 14,4%.
Hoa Sen giảm doanh thu, cải thiện cơ cấu sản phẩm
Trong quí II niên độ tài chính 2019-2020 (tức ba tháng từ 1/1 đến 31/3/2020), Hoa Sen đạt doanh thu thuần 5.779 tỉ đồng, giảm 16,3% so với cùng kì năm trước; sản lượng tiêu thụ cũng giảm 8,6% xuống 338.674 tấn. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế quí vừa qua vẫn đạt 201 tỉ đồng, tăng trưởng 278%.
Tính chung nửa đầu niên độ này, Hoa Sen ghi nhận doanh thu 12.364 tỉ đồng và sản lượng tiêu thụ 738.204 tấn, giảm lần lượt 14,4% và 3,8% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế 382 tỉ đồng, tăng 228%.
So với kế hoạch cả năm, sau 6 tháng Hoa Sen đã thực hiện 49,2% mục tiêu sản lượng, 44% mục tiêu doanh thu và 95% mục tiêu lãi sau thuế.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết lợi nhuận của Hoa Sen phục hồi mạnh mẽ là nhờ việc tích lũy thép cuộn cán nóng (HRC) nguyên liệu với chi phí thấp.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá HRC ngày 10/4 đang ở mức 400 USD/tấn (tiền hàng và cước phí - CFR tại cảng Đông Á) giảm 50-55 USD/tấn so với đầu tháng 3/2020. So với đầu năm 2020, mức giá này đã giảm 90-92 USD/tấn.
Chứng khoán HSC dẫn số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết trong nửa đầu niên độ tài chính 2019-2020, Hoa Sen đã bán được 581.288 tấn tôn mạ, giảm 4,7% so với cùng kì và 181.386 tấn ống thép, giảm 10,9%.
Thị phần của công ty giảm còn 29,5% đối với tôn mạ (từ 31,4% trong nửa đầu năm 2019) và 15,3% đối với ống thép (từ 15,7% trong nửa đầu năm 2019).
Để ứng phó với điều kiện thị trường hiện tại, Hoa Sen đã tái cơ cấu hoạt động bằng cách tập trung vào các sản phẩm sinh lời cao như tôn mạ kẽm và tôn kẽm màu thay cho những sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận thấp như ống thép.
Trong tháng 1/2020, Hoa Sen ra mắt dòng sản phẩm tôn mạ cao cấp với giá bán cao hơn. Theo HSC, việc cải thiện cơ cấu sản phẩm đã bù đắp được sự sụt giảm về sản lượng trong giai đoạn này.
Ngoài ra, việc hoàn thành quá trình tái cơ cấu hệ thống phân phối từ mô hình chi nhánh tỉnh thành mô hình cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh đã giúp Hoa Sen cắt giảm chi phí.
Nửa cuối năm 2020 có khả năng sẽ mang đến nhiều thách thức cho Hoa Sen. Chứng khoán HSC cho rằng sự sụt giảm của sản lượng xuất khẩu trong những tháng tới sẽ ảnh hưởng tiêu cực vì thị trường xuất khẩu chiếm 40,2% tổng sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen.
Chưa kể, việc thực hiện qui định giãn cách xã hội trên toàn quốc từ 1/4 đến 22/4 cũng làm giảm một phần nhu cầu thép trong nước.
Nam Kim chuyển từ lỗ sang lãi
Doanh thu thuần của Thép Nam Kim (Mã: NKG) quí vừa qua đạt gần 2.452 tỉ đồng, giảm 16,7% so với quí I/2019. Tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm tới 24% còn 2.240 tỉ đồng. Nhờ vậy công ty vẫn có lãi gộp 212 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái lỗ gộp hơn 1 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế đạt 41,5 tỉ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 101,6 tỉ đồng cùng kì năm ngoái.
Chứng khoán HSC dẫn số liệu từ VSA cho biết Nam Kim đã bán được 148.272 tấn tôn mạ và ống thép trong quí I/2020, giảm 11,4% so với cùng kì. Thị phần giảm từ 11,6% trong quí I năm ngoái xuống còn 11,2% trong quí vừa qua. Giá bán bình quân cũng giảm 5-6% so với cùng kì xuống còn 16,5 triệu đồng/tấn.
Theo cơ cấu thị trường, doanh thu xuất khẩu đạt 1.131 tỉ đồng, giảm 11,2% so với cùng kì và chiếm 46,1% doanh thu thuần quí I/2020. Thị trường nội địa ghi nhận 1.328 tỉ đồng, giảm 21,1% và đóng góp 53,9% vào cơ cấu doanh thu.
Ống thép Việt Đức (VGPIPE, Mã: VGS) báo cáo lãi sau thuế 10,6 tỉ đồng, nhích nhẹ so với mức 10,2 tỉ đồng trong quí đầu năm ngoái.
Thép Pomina (Mã: POM) lỗ sau thuế 56 tỉ đồng trong quí I/2020, thấp hơn khoản lỗ 84 tỉ đồng trong quí I/2019. Lợi nhuận gộp tăng đáng kể từ 18 tỉ đồng lên 88 tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác chứng kiến kết quả đi xuống như: Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) lợi nhuận giảm từ 8,1 tỉ đồng xuống 4,3 tỉ đồng, Thép Việt Ý (Mã: VIS) từ lỗ 33,6 tỉ đồng quí đầu năm ngoái thành lỗ 41,7 tỉ đồng quí I năm nay.