|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát bước vào chu kỳ lợi nhuận mới

08:40 | 16/02/2024
Chia sẻ
SSI Research dự báo giá thép năm 2024 chỉ biến động nhẹ theo giá nguyên vật liệu đầu vào trong ngắn hạn. Sự thiếu hụt nguồn cung trong nước hiện tại cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp Hòa Phát đẩy mạnh phân khúc thép HRC trong vài năm tới sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động.

Ảnh minh họa: MH.

Trong báo cáo triển vọng năm 2024, SSI Research kỳ vọng nhu cầu ngành thép sẽ phục hồi trong năm 2024 với mức tăng trưởng hơn 6% so với cùng kỳ, đặc biệt ở thị trường trong nước khi có thể tăng 7%.

Theo các nhà phân tích, mức tiêu thụ thép trong năm nay sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản, tương tự như năm 2013. Mặt khác, theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến tăng 1,9% trong năm 2024 so với mức 1,8% trong năm 2023.

Đối với thị trường xuất khẩu, xuất khẩu thép Trung Quốc dự kiến giảm trong năm 2024 so với mức nền cao trong năm 2023 (mức cao nhất kể từ năm 2016), từ đó hỗ trợ giá thép xuất khẩu của Việt Nam.

 

Theo Viện Nghiên cứu và Quy hoạch công nghiệp luyện kim Trung Quốc, nhu cầu thép ở Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 1,7% trong năm 2024 sau khi giảm 3,3% trong năm 2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn giữ quan điểm giá thép sẽ khó tăng mạnh trong năm 2024 vì sự phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ vẫn chậm, và việc tăng giá thép có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc quay trở lại. Hiện tại phân khúc bất động sản chiếm hơn 30% lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc, quốc gia chiếm 50% nhu cầu thế giới.

Đối với đầu vào, giá quặng sắt tăng có thể khiến chi phí sản xuất cho các công ty thép Việt Nam cao hơn trong quý I, nhưng sẽ chỉ tác động trong thời gian ngắn.

Giá quặng sắt tăng 13% trong ba tháng cuối năm 2023 do các công ty thép dự trữ theo mùa, đặc biệt là từ Trung Quốc (lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc tăng 6,6% so với cùng kỳ trong năm 2023 sau khi giảm trung bình 2,7%/năm trong hai năm trước đó nhờ không có mức trần sản lượng thép sản xuất cho năm 2023).

Chi phí nguyên liệu tăng như vậy gây áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty, bao gồm cả Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) trong những tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, sự gia tăng tỷ trọng sản lượng xuất khẩu trong tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép cán nguội HRC từ 16% trong năm 2022 lên 30% trong năm 2023 sẽ giúp công ty dễ dàng chuyển giá bán đầu vào sang ra đầu ra hơn.

Áp lực từ chi phí nguyên liệu cao được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn khi tác động của việc tích trữ giảm dần cùng với sự sụt giảm sản lượng thép Trung Quốc như đã đề cập ở trên. Nguồn cung quặng sắt dự kiến sẽ ổn định trong thời gian tới.

Công ty quặng sắt Vale của Brazil dự kiến sẽ sản xuất khoảng 310 - 320 triệu tấn quặng sắt trong năm 2024, duy trì mục tiêu sản xuất năm thứ hai liên tiếp. Rio Tinto (Australia) cũng đã tái khẳng định dự báo vận chuyển quặng sắt năm tài chính 2024 dao động quanh mức 323 - 338 triệu tấn, so với sản lượng thực tế là 332 triệu tấn trong năm 2023.

Với các yếu tố trên, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 của Tập đoàn Hòa Phát ở mức 11.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 64,5% so với năm 2023, nhờ sự phục hồi cả về sản lượng tiêu thụ và giá thép.

Ước tính trên dựa trên giả định rằng sản lượng thép xây dựng và HRC của công ty sẽ lần lượt đạt 4,5 triệu tấn (tăng 17,8%) và 3 triệu tấn (tăng 8,3%) trong năm 2024. Ngoài ra, giá thép xây dựng và HRC bình quân dự báo sẽ tăng 3% so với mức tăng bình quân là 5% đối với quặng sắt và giá than. Biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát dự kiến sẽ cải thiện lên 14,1% từ mức 10,9% trong năm 2023.

 

Về dài hạn, lợi nhuận của Hòa Phát được kỳ vọng sẽ tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2025 - 2027 nhờ việc khởi công dự án Dung Quất 2 vào năm 2025 - 2026, điều này sẽ giúp sản lượng tiêu thụ HRC tăng hơn gấp đôi từ 2,8 triệu tấn trong năm 2023 lên 7,5 triệu tấn vào năm 2027.

Sự thiếu hụt nguồn cung trong nước hiện tại khoảng 4 - 5 triệu tấn/năm, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu gần đây cũng sẽ giúp công ty đẩy mạnh phân khúc HRC sau khi dự án đi vào hoạt động.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính và dự báo của SSI Research.

Minh Hằng

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.