|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hóa giải những thách thức, mở đường cho doanh nghiệp lớn lên

21:30 | 12/10/2019
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có 714.000 doanh nghiệp hoạt động, đồng nghĩa Việt Nam đang có đội ngũ doanh nhân hùng hậu nhất từ trước đến nay. Kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng 40 - 43% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển kinh doanh.

Nhân dịp 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13/10), Báo Tin tức đăng tải một số ý kiến của chuyên gia kinh tế về đường hướng phát triển; đồng thời hiến kế hóa giải các thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp.

*Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Gỡ chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về kinh doanh

Hóa giải những thách thức, mở đường cho doanh nghiệp lớn lên - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTXVN.

Đội ngũ doanh nghiệp nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng đã đóng góp đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói, đưa đất nước vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Việt Nam đã có một đội ngũ doanh nghiệp đông đảo gồm hơn 700.000 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng kí).

Nếu xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN (Tổ chức liên kết của khu vực Đông Nam Á). 

Việt Nam cũng đã có những tỉ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận, cạnh tranh ngang ngửa nhưng con số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nghiệp riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, tính phi chính thức cao, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu...

Theo kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế, chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN.

Vì vậy, nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Không chỉ cần tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Và trong định hướng nâng cấp doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. 

Doanh nghiệp phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này. Doanh nghiệp nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, doanh nghiệp lớn mà ăn xổi, ở thì sẽ thất bại.

Để mở đường cho doanh nghiệp lớn lên, Chính phủ cần tháo gỡ và khắc phục nhanh những điểm nghẽn về thể chế, những vướng mắc, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật hiện nay về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh.

VCCI  bày tỏ hy vọng: Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này đang được Chính phủ trình Quốc hội sẽ thúc đẩy trọng tâm ưu tiên này, tăng cường quản trị và thúc đẩy hành trình minh bạch hóa và nâng cấp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh. 

Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

*TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) 

4 nút thắt và quá trình xây dựng thương hiệu

Hóa giải những thách thức, mở đường cho doanh nghiệp lớn lên - Ảnh 2.

*TS. Võ Trí Thành. Ảnh: CTV.

Có 4 điểm mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, start-up, hộ gia đình đang bị cản trở chính là: Quyền tài sản, sở hữu; cạnh tranh; tiếp cận các nguồn lực sản xuất về đất, nhân lực xã hội, công nghệ… Và, cuối cùng là môi trường kinh doanh, phí tổn cao.

Doanh nghiệp lớn mạnh có sự sáng tạo; chi phối được mạng phân phối; thương hiệu toàn cầu và có sức lan tỏa rất lớn. Để đạt được những yếu tố này thì có rất ít doanh nghiệp đạt được.

Để tạo dựng được thương hiệu với doanh nghiệp Việt là cả một quá trình, câu chuyện dài. Thứ nhất là quá trình câu chuyện quá khứ hiện tại tương lai, thương hiệu. Một thương hiệu phải có một cái tích hay. Thứ hai, thương hiệu là sáng tạo. Tôi dẫn câu CEO của Nokia: “Mọi thứ chúng ta đang làm đều đúng cả, thế mà chúng ta vẫn có thể thua cuộc”. 

Trong thế giới đầy biến động, thay đổi nhanh chóng, chúng ta có thể vẫn đang làm đúng nhưng lại là chưa đúng. Chúng ta có thể lụi tàn, cần sáng tạo. Sáng tạo cần thỏa mãn nhu cầu của cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay: Xanh, thông minh, nhân văn và cá tính.

Thứ ba là vấn đề con người. Thương hiệu quan trọng nhất là thương hiệu con người, chúng ta phải xây dựng thương hiệu từ người bảo vệ ở cửa đến lãnh đạo doanh nghiệp. Cuối cùng tôi nói về thương hiệu là truyền thông. Vấn đề là ở cách truyền thông, tự tin nhưng đừng khuếch trương quá đáng. Thứ hai là ấn tượng nhưng đừng quá lòe loẹt, thứ ba tâm linh nhưng đừng bị mê hoặc. Sau 3 cụm từ ấy, quan trọng nhất vẫn là chân thành.

*PGS. Tiến sĩ khoa học, ông Võ Đại Lược:

Doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa đủ chính sách hỗ trợ phát triển

Tôi cho rằng: Với chính sách hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chưa đủ không gian phát triển. Đơn cử, lãi suất cho vay của chúng ta 10%, doanh nghiệp tư nhân của chúng ta có sống được không, trong khi ở nước ngoài như Nhật mức này chỉ 2 - 3%. 

Theo tôi, Việt Nam nên có Đề án nghiên cứu đánh giá một cách sâu sắc khu vực tư nhân Việt Nam – doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, từ đó phía VCCI có những kiến nghị cụ thể với Đảng và Nhà nước để tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp tư nhân. Không thể tách doanh nghiệp tư nhân ra khỏi khu vực kinh tế, phải xem đó là động lực, chủ lực của nền kinh tế của chúng ta.

*TS, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu:

Mong mỏi tiếp cận vốn của hệ thống ngân hàng

TS Heu

TS Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: TH.

Hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp đã thất bại hoặc phá sản trong 3 năm đầu tiên. Các doanh nghiệp này thường có chế độ hạch toán, kế toán thiếu chuẩn mực, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy và cũng thường không có kiểm toán độc lập. 

Thêm vào đó, nền tảng tài chính của các doanh nghiệp này còn mỏng manh, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thì chưa đạt được điểm hòa vốn. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ vầ vừa (DNNVV) Việt Nam, hiện có 16 nghìn DNNVV là thành viên của Hiệp hội, trong đó số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng chưa nhiều. Thực tế, nguồn lực để cho vay là không thiếu, các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay nếu các doanh nghiệp đủ điều kiện.

Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua hai quỹ: Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV, Quỹ hỗ trợ cho vay DNNVV. Tuy nhiên, đến nay hai quỹ này chưa thực sự phát huy được tác dụng, bởi điều kiện bảo lãnh cũng không khác gì điều kiện của ngân hàng.

Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của của các quỹ hỗ trợ DNNVV chưa cao, thứ nhất là vốn điều lệ của các quỹ bảo lãnh này quá thấp để có thể bảo lãnh được các món lớn. Thứ hai là theo quy định, các quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn phải hoạt động theo tiêu chí xuyên suốt và bao trùm là an toàn vốn, chính vì vậy việc xét duyệt các hồ sơ tín dụng cũng chặt chẽ như ngân hàng.

Minh Phương

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.