|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hóa đơn điện tử cho DN xăng dầu: Petrolimex đã sẵn sàng, khối tư nhân vẫn gặp khó

20:46 | 26/12/2023
Chia sẻ
Nhóm doanh nghiệp xăng dầu tư nhân khó khăn hơn khối quốc doanh khi triển khai hóa đơn điện tử, cả về cơ sở hạ tầng lẫn tiềm lực tài chính.

Doanh nghiệp xăng dầu tư nhân khó triển khai hóa đơn điện tử

Vấn đề sử dụng hoá đơn điện tửđối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là một trong những điểm nóng được các doanh nghiệp trong ngành quan tâm trong tháng cuối năm 2023.

Trong tháng 12, Thủ tướng, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có văn bản về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Đến ngày 20/12,Tổng cục Thuế đã có công điện gửi các Cục Thuế yêu cầu quyết liệt triển khai hiệu quả việc lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Chia sẻ tại tọa đàm “Triển khai Hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp” do báo Tiền Phong tổ chức chiều 26/12, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho rằng việc triển khai hoá đơn điện tử còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết việc xuất hóa đơn mỗi mã bơm xăng dầu khiến doanh nghiệp lo lắng bởi mỗi cửa hàng sẽ phải đầu tư hàng trăm triệu đồng cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan.

Trong khi đó, chiết khấu của doanh nghiệp phân phối hiện ở mức 800 đồng/lít xăng dầu. Sau trừ đi chi phí vận tải, doanh nghiệp chỉ còn khoảng 500 - 600 đồng/lít xăng dầu. Với mức đầu tư và lợi nhuận như nói trên, ông Dũng cho rằng phương án đầu tư hàng loạt máy móc, thiết bị khó được hội đồng quản trị phê duyệt.

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dầu khí Đồng Nai, cho biết sau hai năm đại dịch, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Một trạm xăng phải bỏ ra 70 triệu đồng để đầu tư việc triển khai hóa đơn điện tử này.

Do vậy, các cơ quan chức năng cho rằng việc triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu cần có lộ trình thời gian cụ thể để các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện.

 Ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex. (Ảnh: Tiền Phong)

Tuy nhiên về phía các doanh nghiệp nhà nước, ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết Tập đoàn đã có sẵn nguồn lực về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ và giải pháp để thực hiện xuất hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu.

Petrolimex hiện đang chiếm khoảng 50% thị phần kinh doanh xăng dầu trong nước với 48 công ty xăng dầu và 2.700 cửa hàng trải dài cả nước.

Chia sẻ về sự khác biệt này, ông Văn Tấn Phụng cho rằng xuất phát điểm của đơn vị xăng dầu Petrolimex khác với các doanh nghiệp tư nhân nên việc triển khai hóa đơn điện tử được thuận lợi. Còn về phía các doanh nghiệp tư nhân phải tự bỏ tiền ra đầu tư trong khi hạ tầng chưa tương tích, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ

Nên gia hạn triển khai hóa đơn điện tử

Là chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm về lĩnh vực thuế, Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn luật sư TP HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp, cho rằng Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu có nhiều ưu việt. Tuy nhiên, thời gian áp dụng nghị định quá cấp bách với một số doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh, thành.

Do vậy, Luật sư cho rằng cơ quan thuế nên gia hạn thêm thời gian triển khai để tập huấn cho các doanh nghiệp, đảm bảo cho các hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, ông Thường cũng kiến nghị phía cơ quan thuế ban hành thống nhất hóa đơn có phần mềm kế toán do đơn vị cung cấp có sự đồng ý của cơ quan thuế. Điều này sẽ tạo ra sự nhất quán cho cả hệ thống.

Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn luật sư TP HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp. (Ảnh: Tiền Phong)

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thụy Thuỳ Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt, cũng đưa ra ba giải pháp để thực hiện việc xuất hoá đơn điện tử như sau:

Thứ nhất, nếu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử từng lần bơm thì cần có chi phí kinh doanh định mức.

Thứ hai, đối với khách hàng không có nhu cầu nhận hoá đơn điện tử, doanh nghiệp đề nghị xuất gộp vào cuối ngày.

Thứ ba, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị các công ty phần mềm kế toán, giải pháp, kinh doanh hoá đơn điện tử linh hoạt mở cổng API. Việc này giúp doanh nghiệp bán lẻ được quyền lựa chọn đơn vị cung cấp hoá đơn điện tử với giá thành, dịch vụ phù hợp.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế. (Ảnh: Tiền Phong)

Chia sẻ tại sự kiện, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết lộ trình của việc sử dụng hoá đơn điện tử được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: Triển khai tại 6 địa phương, gồm: Hà Nội, TP HCM, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Sau đó, hóa đơn điện tử sẽ tiếp tục triển khai trên toàn quốc. Ngày 21/4/2022, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã bấm nút để khánh thành trung tâm triển khai hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc.

Giai đoạn 2: Đến ngày 1/7/2022, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển đổi thành công sử dụng hoá đơn điện tử, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Từ năm 2023, Tổng Cục Thuế tiếp tục triển khai hoá đơn điện tử kết nối với máy tính tiền tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại ở các địa phương. Riêng với lĩnh vực xăng dầu có khoảng 3.000 cửa hàng đã thực hiện hóa đơn điện tử.

Ông Sơn cho biết Tổng cục Thuế đang đề xuất máy tính tiền ở các cửa hàng xăng dầu để có thể xuất hoá đơn điện tử. “Như TS. Vũ Đình Ánh nói, chúng ta phải đi rồi mới đến được, nhưng đi thì có thể có những trục trặc. Do vậy, chúng tôi mong doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Sơn nói.

Hoàng Anh