Hồ sơ Paradise: bí mật tài chính của những nhân vật giàu có và quyền lực nhất thế giới bị rò rỉ
Mới đây, hơn 13,4 triệu hồ sơ thuế, gọi chung là Hồ sơ Paradise đã được tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức chia sẻ với Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), cho thấy những mối quan hệ tài chính phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của hầu hết chính phủ các nước.
Từ số hồ sơ khổng lồ này, nhiều cái tên giàu có và quyền lực hàng đầu thế giới được nhắc tới như nữ hoàng Anh Elizabeth hay thủ tướng Canada Justin Trudeau đã rấy lên những nghi ngờ về việc liệu có hay không một hệ thống trốn thuế tinh vi và phức tạp lâu đời giữa giới "tinh hoa" thế giới này.
Vậy Hồ sơ Paradise là gì?
Appleby, một công ty luật có trụ sở tại Bermuda, chuyên quản lý các tài khoản hải ngoại cùng công ty con Estera, đã để lộ ra hơn 13,4 triệu hồ sơ thuế. Trang Sueddeutsche Zeitung từ Đức cùng ICIJ chính là những đơn vị đầu tiên công khai số hồ sơ khổng lồ này, nhưng không tiết lộ nguồn gốc cuối cùng.
Bermuda và Cayman Islands được coi là 2 trong số những nơi "ẩn náu thuế" (tax haven) tốt nhất. |
Đáng chú ý, Appleby được coi là một trong những nhà cung cấp dịch vụ pháp lý cho các đối tượng hải ngoại lớn nhất thế giới. Và tài khoản hải ngoại, thường là nơi người ta có thể che giấu luồng tiền, nhằm tránh bị đánh thuế ở quốc gia sở tại.
Sueddeutsche Zeitung và ICIJ cũng là 2 đơn vị đoạt giải báo chí Pulitzer cho năm 2017 với vụ bê bối hồ sơ Panama trước đó.
Mối liên hệ của điện Kremlin với các khoản đầu tư vào Facebook và Twitter
Nhờ vào Hồ sơ Paradise, người ta được biết rằng, các công ty thực tế nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Nga, đang đầu tư vào nhiều "ông lớn" ở thung lũng Silicon như Facebook và Twitter.
DST Global, một công ty đầu tư thuộc sở hữu bởi tỷ phú Nga Yuri Milner, thực tế là trung gian để chính phủ Nga tham gia đầu tư vào các công ty ở Mỹ. VTB Bank, một ngân hàng của chính phủ Nga, đã đầu tư 191 triệu USD vào Twitter thông qua 5% cổ phần của Milner tại mạng xã hội này vào năm 2013.
Yuri Milner (trái) |
Bên cạnh đó, Gazprom, một đơn vị khác nằm dưới quyền kiểm soát của điện Kremlin, cũng thông qua một đối tác nước ngoài, để đầu tư vào 8% cổ phần tại Facebook vào năm 2012.
Các tài khoản nước ngoài của nữ hoàng Anh
Nữ hoàng Anh Elizabeth đã đầu tư vào một vài quỹ hải ngoại - một động tác được nhìn nhận rộng rãi như cách để "ẩn náu thuế" (tax haven). Sẽ không có ai biết được điều này, nếu như các quỹ tại Cayman Islands và Bermuda không được Hồ sơ Paradise "điểm mặt".
Nữ hoàng Anh Elizabeth |
Hiện tại, công ty Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Anh đang có tổng tài sản khoảng 679 triệu USD và đầu tư vào các quỹ tại Cayman Islands và Bermuda khoảng 13 triệu USD.
Cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Canada Trudeau
Trước đây, vị Thủ tướng trẻ tuổi của Canada đã từng tuyên bố sẽ tìm cách xử lý mạnh tay những cá nhân không trả "đúng" thuế hoặc tìm cách gian lận thuế. Tuy nhiên, đáng buồn là Hồ sơ Paradise cũng điểm danh cả Stephen Bronfman, một trong những cố vấn cao cấp của Justin Trudeau.
Nhân vật này được cho là đang đầu tư nhiều triệu USD vào Cayman Islands, nơi sẽ giúp ông tránh thuế một cách hợp pháp tại Canada.
Và hàng loạt tên tuổi khác
Cố vấn kinh tế Gary Cohn, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng bộ Ngân khố Steven Mnuchin thuộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng là những cái tên đình đám khác đang được Hồ sơ Paradise gọi tên.
Gary Cohn, cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump (trái). |
Bên cạnh đó, Wesley Clark, tướng 4 sao Mỹ và cựu chỉ huy tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu, cũng được cho là đã đầu tư vào một công ty casino với các chi nhánh tại nhiều "thiên đường thuế".
Nữ hoàng Noor của Jordan cũng xuất hiện trong Hồ sơ Paradise với vai trò người thụ hưởng của 2 quỹ tín thác ở Jersey, một vùng tự trị của Anh. 2 quỹ này được cho là trung gian, giúp nữ hoàng Jordan sở hữu các tài sản tại Anh.
Một cái tên khác là Bộ trưởng bộ Tài chính Brazil Henrique de Campos Meirelles. Vị này được cho rằng đã mở một quỹ tại Bermuda với "mục đích từ thiện".