|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hiểu thế nào về cách mạng công nghiệp 4.0?

08:20 | 02/05/2017
Chia sẻ
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – một cụm từ mới mẻ đã được mổ xẻ trong diễn đàn do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 4 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nhân, chuyên gia và nhà quản lý tại các bộ, ngành.
hieu the nao ve cach mang cong nghiep 40

Cùng lúc đó Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội công bố kết quả cuộc khảo sát được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp cho thấy 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng này và đa số cho rằng sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, nhân loại đã trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi cuộc sống.

Lần thứ nhất kéo dài từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, đánh dấu bằng việc sử dụng nước và năng lượng từ hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Sau đó là sử dụng động cơ đốt trong, nhiên liệu than đá và xây dựng các tuyến đường sắt mở rộng giao thương.

Lần thứ 2 bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, có đặc điểm nổi bật là sử dụng điện năng để phục vụ sản xuất công nghiệp. Đây là thời kỳ phát minh ra máy phát điện, đèn điện, động cơ điện thay thế cho lao động cơ bắp.

Lần thứ 3 bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Đây là thời kỳ mà con người đã phát minh ra máy tính để thực hiện các công việc về trí óc. Việc phát minh ra chất bán dẫn vào thập niên 60 đã giúp con người tạo ra máy tính cá nhân vào những năm 70 và 80, và mạng internet vào thập niên 90.

Và lần này, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đã giúp cho máy tính, phần cứng, phần mềm cũng như mạng toàn cầu phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự ra đời một cuộc cách mạng công nghiệp toàn diện và làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu.

Hiểu thế nào về cách mạng công nghiệp 4.0

Về cơ bản, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dựa trên 3 lĩnh vực chính:

(1) Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI);

(2) Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu;

(3) Lĩnh vực vật lý: Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano.

Cuộc cách mạng công nghiệp này, dù mới bắt đầu, đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Hàng tỷ người đang được kết nối với nhau thông qua điện thoại di động, mạng xã hội. Các thế hệ máy tính hiện nay đang có một sức mạnh xử lý chưa từng có với dung lượng lưu trữ tăng lên đáng kể cho phép con người dễ dàng truy cập vào kho kiến thức không giới hạn.

Hiện tại, trí thông minh nhân tạo đang hiện diện xung quanh chúng ta, từ xe tự lái, máy bay không người lái đến trợ lý ảo, các phần mềm dịch thuật hoặc tư vấn tài chính. Trong những năm gần đây, loài người đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhờ vào sự gia tăng năng lực điện toán và khối lượng dữ liệu lưu trữ.

Nhìn một cách tổng quát, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn cầu, mà đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Công nghệ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới làm tăng hiệu quả và niềm vui cuộc sống của mỗi cá nhân. Gọi taxi, đặt vé máy bay, đặt mua hàng hóa, thanh toán hóa đơn, nghe nhạc, xem phim, chơi game, chữa bệnh, đều có thể thực hiện từ xa.

Thế nhưng mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể mang lại sự bất bình đẳng, đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải.

Điều này giải thích tại sao có rất nhiều người lao động thất vọng và sợ hãi rằng thu nhập của họ sẽ tiếp tục trì trệ, khiến con cái họ có một tương lai không hề tươi sáng. Nó cũng giúp giải thích tại sao các tầng lớp trung lưu khắp thế giới đang ngày càng trải qua một cảm giác bất mãn, không hài lòng.

Một nền kinh tế mà kẻ chiến thắng sẽ giành được tất cả trong khi người trung lưu chỉ được một phần nhỏ, tất yếu sẽ tạo ra một xã hội mất dân chủ và bất mãn cũng có thể được nhân lên bởi các thiết bị công nghệ số và các mạng truyền thông xã hội.

Việt Nam đang đứng ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Mặc dù là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ 2.200 USD (theo thống kê của Standard & Poor) nhưng Việt Nam cũng đã tham gia khá sâu rộng trong lĩnh vực internet và truyền thông.

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng internet Việt Nam đã đạt 52% dân số. Với một chiếc điện thoại di động được kết nối internet, 55% dân số Việt Nam có thể cập nhật được các tin tức thời sự xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chúng ta cũng có thể đặt vé máy bay, gọi taxi giá rẻ hay lên mạng xã hội tán gẫu với bạn bè.

Có thể nói chúng ta đang được tận hưởng những công nghệ mới nhất của thế giới trong lĩnh vực truyền thông di động. Đây cũng là cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Có 2 lĩnh vực được nhắc đến trong cách mạng công nghiệp 4.0 thuộc về y học là cấy ghép và in 3D thì Việt Nam đã có được những thành tựu nhất định. Có mặt từ năm 2003, in 3D đã được ứng dụng tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, mỹ thuật, y học đến kiến trúc, xây dựng.

Thành tựu nổi bật nhất là vào năm 2016, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã in một mảnh sọ nhân tạo bằng methyl methacrylate để vá sọ cho bệnh nhân bị chấn thương sọ não với một lỗ thủng trên hộp sọ rộng gần 140mm. Sau khi được phẫu thuật ghép mảnh sọ nhân tạo, bệnh nhân đã hồi phục.

Việt Nam cũng đã có những tiến bộ trong việc cấy ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư. Các bác sĩ đã làm khá thành thạo các ca phẫu thuật ghép thận, ghép tạng. Về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến rất nhanh.

Trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) - một trong những đặc trưng chủ yếu của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cũng đã có những sản phẩm AI “Made in Vietnam”, chẳng hạn như “Hệ thống săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các cộng sự thuộc Topica AI Labs.

Hệ thống AI này được các ngân hàng, Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp sử dụng để định vị thương hiệu. Được biết, để có được kết quả thống kê, hệ thống AI hằng ngày phải phân tích vài tỷ câu văn – một khối lượng công việc hoàn toàn quá sức với con người mà chỉ có trí thông minh nhân tạo mới có thể đảm đương được.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đặt ra vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với công nhân “cổ cồn”, bác sĩ, luật sư. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm sẽ có một diện mạo thế giới mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi.

Trần Đại Lộc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.