Hiệp hội Thép Việt Nam cảnh báo dự án chạy quanh xin phép
Đồng Nai từ chối, Tiền Giang cấp phép
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) gửi tới cơ quan chức năng, Công ty Yong Jin Metal đã hai lần tiến hành các thủ tục đăng ký giấy phép đầu tư tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (Đồng Nai) vào tháng 4/2017 và tháng 8/2018. Tỉnh Đồng Nai đã từ chối đơn xin cấp phép đầu tư cho dự án này trong cả hai lần sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương về tình hình dư thừa cung - cầu sản phẩm thép trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ trong 8 tháng, công ty này đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang).
“Đây là hiện tượng lẩn tránh đầu tư của Công ty Yong Jin Mental trong việc xin cấp giấy phép đầu tư dự án tại Việt Nam”, văn bản báo cáo của Hiệp hội Thép nhấn mạnh.
Đặc biệt, dự án này được đầu tư vào Khu công nghiệp Long Giang, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tân Phước của tỉnh Tiền Giang, nên được hưởng các ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm là 10% trong thời gian 15 năm (áp dụng từ năm đầu tiên có doanh thu), doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đồng thời, dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong quá trình sản xuất hoặc hàng hóa làm mẫu theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu...
“Các khu công nghiệp tại các tỉnh khi tiến hành cấp phép đầu tư dự án cần tham khảo thêm ý kiến các cơ quan Trung ương, cũng như hiệp hội ngành hàng để tránh tình trạng các nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp phép bị từ chối sang tỉnh khác để xin chủ trương đầu tư tiếp, điều này gây bất ổn chung đến thị trường hàng hóa Việt Nam, trong đó có thị trường thép không gỉ”, VSA cho hay.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, để có thể ngăn chặn được tình trạng chạy dự án trong việc cấp giấy phép đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý đang xây dựng hệ thống thông tin về đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa xong, bởi vậy liên kết thông tin giữa các địa phương chưa thể thông suốt. Các tỉnh, thành phố cần phải thận trọng, xem xét kỹ hơn trước khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài.
Áp lực dư thừa nguồn cung
Theo VSA, áp lực dư thừa nguồn cung chưa được cải thiện, trong khi nhu cầu thép không gỉ trong nước không cao, cung đã gần gấp đôi nhu cầu thực tế, doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều rủi ro về hàng rào cạnh tranh thương mại.
Trên thực tế, tại Việt Nam, hầu hết các sản phẩm thép khác đều đáp ứng được nhu cầu, hoặc cung đã vượt cầu. Ví dụ, ước tính tổng công suất thép xây dựng của cả nước hiện ở mức khoảng 18 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ năm vừa qua chỉ khoảng trên 10 triệu tấn. Hay nhu cầu thép không gỉ cán nguội trong nước chỉ ở mức khoảng 500.000 tấn/năm, trong khi khả năng cung cấp của các dự án đang hoạt động lên hơn 700.000 tấn/năm.
Theo thống kê, các nhà máy sản xuất có tỷ lệ hoạt động trong quý I/2019 chỉ khoảng 50%, bằng phân nửa khả năng sản xuất của các doanh nghiệp. Dự kiến, cuối năm nay, khi Nhà máy Nguyễn Minh đi vào hoạt động, tổng sản lượng có thể cung cấp ra thị trường lên đến trên 900.000 tấn. Khi đó tình hình cung vượt cầu càng nghiêm trọng hơn.
Còn theo VSA, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ sản xuất đạt trung bình 63% công suất, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới là khoảng 76,9%.
VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước chỉ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao, phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô… mà trong nước chưa sản xuất được. Bên cạnh đó, VSA cũng đề nghị, trong giai đoạn hiện nay chưa cần thiết phải đầu tư thêm các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ… Đồng thời, không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa nhu cầu tiêu thụ.
Ngành thép vẫn đầy khó khăn, thách thức
Theo các chuyên gia, năm 2019 vẫn là một năm đầy khó khăn, thách thức của ngành thép, khi nhu cầu thép trong nước chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Mặc dù đạt được sự tăng trưởng khá tốt trong năm 2018, nhưng trên thực tế, ngành thép không những phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, mà còn phải đối mặt với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.