|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ đề xuất tiêm vắc xin cho người lao động trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

20:47 | 20/05/2021
Chia sẻ
VASI cho biết nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay là Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất.

Ngày 20/5, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã có công văn trình Chính phủ về việc tiêm vắc xin COVID-19 và hỗ trợ hoạt động cho doanh nghiệp trong ngành này sau đại dịch.    

Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, VASI đã thực hiện khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất của hội viên. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ luôn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, nhưng vẫn thường trực nguy cơ lây nhiễm, đe dọa ngừng sản xuất.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều hoạt động tại các khu công nghiệp, nguy cơ lây lan dịch bệnh luôn thường trực, đe dọa gián đoạn sản xuất và gây tổn hại lớn đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Do đó, VASI kiến nghị Chính phủ xếp nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 sớm nhất, bảo đảm hoạt động liên tục, đóng góp cho nền kinh tế và giữ vững uy tín, hình ảnh Việt Nam trong công nghiệp chế tạo toàn cầu.

Về chi phí, VASI cho biết, nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động của doanh nghiệp mình. 

Ngoài ra, VASI cũng kiến nghị cần thống nhất việc cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin như: cơ quan cấp, hình thức cấp, nên có QR Code... để đảm bảo kiểm soát tốt và tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong và ngoài nước.

Theo VASI, năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, làm chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng cao, phát sinh chi phí phòng chống dịch, tăng chi phí logistics, giảm đơn hàng, giảm doanh thu, nhân sự không ổn định do có trường hợp phải cách ly hoặc giãn cách xã hội, giá thuê đất cao, tín dụng ưu đãi không tiếp cận được, không đủ vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, VASI mong muốn Chính phủ sẽ thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch COVID-19 chung trên cả nước. 

VASI cũng đề xuất Chính phủ gia hạn các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2021 đến hết năm 2021, giảm bớt các yêu cầu và điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được; giãn nộp các khoản thuế và nghĩa vụ thêm từ 6 tháng đến 1 năm; hỗ trợ giảm lãi suất vay từ ngân hàng thương mại; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất và giảm giá thuê đất; đồng thời có giải pháp dài hạn và bền vững đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho ngành sản xuất chế tạo.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu tại Việt Nam ngày 27/4, đến nay đã ghi nhận 1.761 ca lây nhiễm cộng đồng tại 30 tỉnh, thành phố. 

Bắc Giang hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca bệnh. Hôm 18/5, tỉnh này đã quyết định đóng cửa bốn trong sáu khu công nghiệp gồm Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng để dập dịch. Quyết định này khiến khoảng 130.000 công nhân và hàng trăm doanh nghiệp tạm dừng sản xuất.

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.