Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư Lẫn nhau
Thông tin cơ bản về Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư Lẫn nhau
Thời gian kí kết: 30/10/1991.
Nơi kí kết: Bangkok, Thái Lan.
Danh sách thành viên tham gia kí kết: Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan
Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư Lẫn nhau được kí kết với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt cho đầu tư vốn của các công dân và công ty của nước này trên lãnh thổ của nước kia trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Nhận thức rằng quan hệ hợp tác láng giềng tốt trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, thông qua đầu tư sẽ thúc đẩy phát triển tiến bộ vì lợi ích của nhân dân hai nước, việc khuyến khích, bảo hộ lẫn nhau đối với đầu tư đó và đầu tư theo hiệp định quốc tế sẽ làm tăng sự thịnh vượng ở cả hai nước.
Khuyến khích và bảo hộ đầu tư
Mỗi Bên kí kết, căn cứ vào luật pháp, kế hoạch và chính sách của mình, sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vốn của các công dân và công ty của Bên kí kết kia vào lãnh thổ của mình.
Đầu tư của các công dân hoặc công ty của một Bên kí kết trên lãnh thổ của Bên kí kết kia sẽ được hưởng sự bảo hộ, an toàn thường xuyên cao nhất theo luật pháp của Bên kí kết kia.
Thái lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
Đầu tư của Thái lan vào Việt Nam đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Hiện nay, với 153 dự án đầu tư và tổng số vốn đăng kí là 1,54 tỉ USD, Thái lan đứng thứ 12 trong danh sách 79 nước và vùng lãnh thổ và đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Các dự án của Thái lan tập trung chủ yếu vào xây dựng hạ tầng cơ sở cho khu công nghiệp, trung tâm đô thị mới tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và TP HCM.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần 67% các dự án của Thái lan tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài, chiếm 56% số vốn đăng kí và 27,6% các dự án là của các công ty liên doanh, chiếm 43% vốn đăng kí.
Trong số các dự án thành công của Thái lan tại Việt Nam, phải kể đến Công ty sản xuất thức ăn gia súc CP Việt Nam tại Đồng Nai với số vốn đầu tư 328 triệu USD, Công ty Siam Cement Group đầu tư vào 5 dự án về hóa chất và vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai.
Đối xử tối huệ quốc theo Hiệp định
1. Đầu tư của các công dân hoặc của công ty của một Bên kí kết, trên lãnh thổ của Bên kí kết kia và các khoản thu nhập từ đầu tư sẽ được đối xử công bằng, thoả đáng và không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử đối với đầu tư, thu nhập của công dân và công ty của bất kì nước thứ ba nào.
Mỗi bên kí kết trên lãnh thổ của mình sẽ dành cho các công dân hoặc công ty của Bên kí kết kia trong việc quản lí, sử dụng, hưởng hoặc từ bỏ những đầu tư của họ, sự đối xử công bằng và thỏa đáng phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và không kém thuận lợi hơn so với những điều mà Bên kí kết đó dành cho công dân hoặc công ty của bất kì nước thứ ba nào.
Tất cả các điều khoản của Hiệp định này liên quan đến việc cho hưởng sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với những điều dành cho công dân, hay công ty của bất kì nước thứ ba nào sẽ được hiểu là sự đối xử như vậy sẽ được cho hưởng ngay và vô điều kiện.
2. Mỗi Bên kí kết sẽ tuân thủ thêm bất kì nghĩa vụ nào có liên quan đến đầu tư của công dân và công ty của Bên kí kết kia, mà đã được thỏa thuận giữa các Bên ngoài những điều đã qui định cụ thể trong Hiệp định này.
Chi tiết về Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư Lẫn nhau