|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hiện tượng cổ phiếu GKM giảm sàn 10 phiên liên tiếp

18:02 | 03/10/2024
Chia sẻ
Cổ phiếu GKM của CTCP GKM Holdings giảm sàn 10 phiên liên tiếp và mất tới 70% giá trị khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về hoạt động của doanh nghiệp này.

Cổ phiếu lao dốc

Tính từ 18/9 đến 2/10, cổ phiếu của CTCP GKM Holdings (Mã: GKM) đã giảm 67%, trong đó bao gồm 10 phiên sàn (9 phiên liên tiếp), và phiên 19/9 giảm trên 8%. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên giai đoạn này khoảng 55.000 cp.

Đến sáng 3/10, GKM tiếp tục rớt sàn từ khi mở cửa, về 9.800 đồng/cp. Lực cầu bất ngờ xuất hiện với hơn 1 triệu cp khớp lệnh giá sàn trong 55 phút đầu tiên. Thị giá dần được đẩy lên sau đó, có lúc chạm tham chiếu.

Tuy vậy, áp lực cung từ sau 13h khiến thị giá lao dốc trở lại điểm xuất phát, đồng thời nâng chuỗi giảm sàn lên con số 10 phiên - tương đương mức giảm 70%.

Tại văn bản giải trình chuỗi giảm sàn 5 phiên bắt đầu từ 20/9, công ty khẳng định giá biến động hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu thị trường chứng khoán, nhu cầu, tâm lý và đánh giá của nhà đầu tư.

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của KGM Holdings cũng bị ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô và mưa bão, thiên tai. Khó khăn này cũng có thể phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp, tác động hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua. Hiện tại, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

Diễn biến GKM qua ba tháng (đến 3/10). (Biểu đồ: TradingView).

Muốn giãn trả nợ trái phiếu

Về tình hình hoạt động, ngày 12/9, HĐQT thông qua việc lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản về phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm hai năm, tương ứng ngày đáo hạn (mới) là 20/9/2026. Thời gian chốt danh sách trái chủ là ngày 10/9 và thời hạn cuối cùng để trái chủ gửi trả lời phiếu lấy ý kiến là ngày 18/9. 

Dữ liệu từ HNX, trái phiếu này phát hành ngày 20/9/2021, giá trị huy động 100 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính và đầu tư dự án nhà máy nhôm Khang Minh tại Hà Nam.

Trái phiếu phân bổ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có kỳ hạn là ba năm (đến 20/9/2024), lãi suất 12,6% mỗi năm, thanh toán mỗi 3 tháng. Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng 7 triệu cp GKM. Hiện lô trái phiếu đã hết lưu hành.

Chứng khoán APG là đơn vị tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký, quản lý chuyển nhượng, quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu này.

Dấn sang mảng gạo sau khi người của APG tham gia HĐQT

APG đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 5 triệu cp GKM, tương ứng tỷ lệ 16,08% tại 13/6. Cổ đông lớn còn lại là Chủ tịch HĐQT GKM Holdings Đặng Việt Lê với 3,4 triệu cp (10,7% vốn) tại 30/6, căn cứ báo cáo quản trị bán niên. 

APG lần đầu đầu trở thành cổ đông lớn khi mua thêm gần 650.000 cp vào 27/8/2021, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,1% vốn. Cổ đông này sau đó dần tăng sở hữu lên 4,8 triệu cp, tương ứng với 20% vốn vào tháng 1/2022 nhưng lại thoái sạch vốn chỉ sau đó 2 tháng (3/3/2022).

Kế đến một tháng, công ty chứng khoán lần thứ hai trở thành cổ đông lớn khi mua mới 1,5 triệu cp, tương ứng với 6,3% vốn. Tương tự, APG lại nâng sở hữu lên mức 19,3% vốn tại 17/10/2023 rồi dần bán ra, hạ tỷ lệ về dưới 5% tại 10/11/2023.

Từ đây, APG lại gom vào cổ phiếu và nâng tỷ lệ nắm giữ lên 19,1% tại cuối năm 2023. Điểm khác biệt là lần này cổ đông lớn chỉ giảm sở hữu về mức 10,3% tại 29/3/2024, rồi quay lại tăng sở hữu lên 16,08% tại 13/6/2024.

Tại hai giao dịch báo cáo gần nhất vào ngày 12-13/6, khối lượng đạt 1,9 triệu cp. Chiếu theo giá trị thỏa thuận tương ứng, APG đã chi số tiền khoảng 74 tỷ đồng (bình quân 38.617 đồng/cp, gấp 4 lần thị giá hiện tại phiên 3/10).

Mặt khác, hai người từ phía APG đã tham gia vào ban lãnh đạo GKM Holgings. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Phú và ông Đỗ Minh Đức trúng cử vào thành viên HĐQT KGM Holdings tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tháng 11/2023. Trước đó, hai cá nhân này được nhóm cổ đông APG đề cử vào HĐQT một đơn vị khác là Angimex (Mã: AGM) - chuyên sản xuất kinh doanh gạo.

Tại GKM Holdings, ông Phú kiêm chức Tổng Giám đốc; ông Đức kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán. Cũng từ 2023, ban lãnh đạo KGM Holdings đã định hướng tập trung vào mảng kinh doanh gạo, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là vật liệu xây dựng, đá ốp lát cầu thang hay nhôm dân dụng.

Báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét cho thấy trong nửa đầu năm, doanh thu đạt 133 tỷ đồng, gấp 50 lần con số 2,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế gấp đôi, đạt 6,3 tỷ đồng. 

GKM Holdings giải trình doanh thu tăng do mở rộng thêm ngành nghề buôn bán vật liệu xây dựng, gạo theo định hướng mới. Tuy nhiên, giá vốn tương đương đến 99,5% doanh thu, biên lợi nhuận gộp rất mỏng. Lợi nhuận tăng phần lớn từ hoạt động thoái vốn CTCP Đá Thạch anh Khang Minh. 

Theo đó, công ty mới thực hiện 30% kế hoạch doanh thu và 10% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nợ phải trả tại 30/6 là 135 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm, trong đó hơn một nửa là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Xuân Nghĩa