|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hệ thống truyền tải còn dang dở, miền Bắc thiếu điện nhưng miền Nam không thể ‘cứu’ trợ

14:09 | 12/06/2023
Chia sẻ
EVN cho biết đã có 9 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 472,6 MW chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Tuy nhiên, sản lượng này khó hỗ trợ cho cơn khát điện ở miền Bắc do hệ thống truyền tải mạch 3 mới hoàn thành đến khu vực tỉnh Hà Tĩnh.

Miền Bắc thiếu điện nhưng miền Nam không thể ‘cứu’ trợ

Nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm, có thể lên 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Tuy nhiên, các nguồn điện phía Bắc đang khó đáp ứng do các nhà máy thủy điện thiếu nước, hoạt động cầm chừng, một số nhà máy nhiệt điện đang trong thời gian bảo hành, khắc phục sự cố, nhập khẩu điện lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nhận định hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày.

Trong khi miền Bắc đang chật vật vì thiếu điện, miền Nam lại đang “chạy đua” đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hòa lưới, sản lượng điện liên tục được bổ sung.

Tính đến 7/6 đã có 56/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.087,6 MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá, trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,6 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận ngày vận hành thương mại COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

Dù vậy, sản lượng điện năng lượng tái tạo này khó có thể hỗ trợ, giải tỏa cho cơn khát điện của miền Bắc. Trao đổi với người viết, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR) cho biết trong 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp có 8 dự án điện mặt trời, còn lại là điện gió.

Giai đoạn này đang ít gió, dù cho gần 4.000 MW điện gió chuyển tiếp hòa lưới nhưng công suất thực phát chỉ đạt khoảng 10-15%, tương đương chưa đến 1.000 MW. Con số này khó có thể hỗ trợ được tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, song bù đắp được phần nào hay phần ấy.

Như vậy những vùng nào gần đường dây truyền tải điện Bắc – Nam 500 kV mạch 3 sẽ hưởng lợi hơn, điển hình như Hà Tĩnh. Còn từ Hà Tĩnh ra Bắc, tình trạng thiếu điện vẫn khó cải thiện.

Ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng Kinh doanh mua điện của Công ty Mua bán điện chia sẻ tại tọa đàm "Giải quyết bài toán thiếu điện, cách nào?". (Ảnh: Phạm Mơ)

Ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng Kinh doanh mua điện của Công ty Mua bán điện (EVN) cũng khẳng định hệ thống điện năng lượng tái tạo phát triển mạnh và nhanh ở miền Nam, Nam Trung Bộ, đóng góp vào hệ thống điện Việt Nam nhưng không giải quyết được thiếu điện trong giai đoạn ngắn hạn của miền Bắc do giới hạn trong việc vận hành an toàn đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam.

Thông tin cụ thể về hệ thống truyền tải điện Bắc – Nam, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng EVN cho biết hiện nay Việt Nam có hệ thống truyền tải 220KV, 500kV lớn nhất Đông Nam Á, lưới điện 110 KV chỉ thua Thái Lan.

Lưới điện truyền tải Bắc Nam, Việt Nam sở hữu 2 đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, nhưng mạch 3 mới đầu tư từ phía Nam ra đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) và chưa có đường truyền tải ra ngoài Bắc.

Câu chuyện thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo từ hai năm trước bởi trong giai đoạn 2016 – 2022 miền Bắc đã không có thêm nguồn điện mới, trong khi điều kiện phát triển năng lượng tái tạo kém hấp dẫn hơn miền Nam.

Ông Hà Đăng Sơn thông tin ngay trong kịch bản phân tích đánh giá đề án cho Quy hoạch điện VIII, chúng tôi đã nói đến rủi ro về cung ứng điện cho khu vực miền Bắc trong 2023-2024, trong đó nhấn mạnh là các dự án thuỷ điện lớn đã xây dựng hết.

Trong khi đó tại một số hội thảo cơ chế thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo miền Bắc, Bộ Công Thương từng đưa ra dự thảo về việc phải phân vùng, ưu đãi khác biệt khi phát triển năng lượng tái tạo.

Đơn cử như ở khu vực phía Nam có điều kiện phát triển điện gió, điện mặt trời tốt hơn thì nên áp dụng ưu đãi giá FIT thấp hơn, còn ưu tiên cho miền Bắc mức ưu đãi cao hơn do điều kiện kém thuận lợi.

“Không biết lý do làm sao đề xuất này không được chấp nhận. Sau đó giá FIT ban hành lần 2 cho các dự án năng lượng tái tạo bằng nhau giữa các vùng miền, dẫn tới nhà đầu tư chọn xây dựng dự án miền Trung, miền Nam, thay vì miền Bắc. Do vậy, nguy cơ thiếu điện lại càng cao”, ông Hà Đăng Sơn nói.

Hoàn thành hệ thống truyền tải điện Bắc – Nam càng sớm càng tốt

Sự mất cân bằng về sản lượng điện ở hai miền Bắc – Nam chủ yếu nằm ở yếu tố kỹ thuật truyền tải điện và các cơ chế đầu tư năng lượng tái tạo ở miền Bắc chưa đủ hấp dẫn.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng EVN cho biết tổng sơ đồ điện VIII cũng đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên và khép kín mạch vòng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030.

Trước thực trạng cấp thiết về truyền tải điện, EVN đang giao Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư thực hiện ngay dự án này. Nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000-1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc.

Tuy vậy đại diện EVN cũng cho rằng việc hoàn thành hệ thống truyền tải mạch 3 này vẫn còn nhiều khó khăn và cần thời gian.

Để giải quyết cơn khát điện ở miền Bắc trong thời điểm hiện tại, ông Võ Quang Lâm cho biết EVN đang thúc các nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, Phả Lại, Vũng Áng nhanh chóng bảo dưỡng, khắc phục sự cố để có thể vận hành trở lại.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết từ ngày 13/6, hai nhà máy nhiệt điện Thái Bình và Nghi Sơn sẽ bổ sung khoảng 20 triệu kWh/ngày vào lưới điện, hỗ trợ một phần nguồn điện cho miền Bắc vào giờ cao điểm.

Đồng thời, EVN sẽ điều tiết nguồn điện từ hệ thống thủy điện nhỏ, thay vì giờ phát điện vào buổi trưa sẽ chuyển sang buổi chiều tối. Tập đoàn cũng đang làm việc với các địa phương có thủy điện nhỏ như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang hỗ trợ hoàn thiện đường dây truyền tải 220 kV giúp thuận lợi hơn cho việc cung ứng điện.

TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR). (Ảnh: Phạm Mơ)

Ngoài những giải pháp được EVN đưa ra, mới đây Chính phủ vừa ra chỉ Chỉ thị 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, trong đó nhấn mạnh cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ.

Ông Hà Đăng Sơn cho rằng dư địa tiết kiệm điện của Việt Nam có thể cao hơn 2%, thậm chí Chính phủ có thể đưa ra một số quy định về tiết kiệm điện mang tính áp đặt, đặc biệt là trong khối cơ quan nhà nước.

Theo nhiều nghiên cứu, cơ quan công sở đang tổn thất điện năng khá cao và sử dụng năng lượng chưa hiệu quả. Với thẩm quyền của chính phủ và các bộ ngành liên quan, chúng ta hoàn toàn có thể tăng hiệu quả tiết kiệm điện.

Đối với đơn vị cung ứng điện là EVN, ông Hà Đăng Sơn cho biết hiện doanh nghiệp này đang lỗ, trong những tình huống khẩn cấp cầnông Sơn đề nghị Chính phủ tạm ứng cho EVN một khoản tiền hỗ trợ sản xuất, cung ứng điện, sau đó doanh nghiệp sẽ hoàn lại.

“Nhiều người hỏi tôi tình trạng quá tải như này còn diễn ra lâu không, điều này rất khó trả lời. Nếu thủy điện về thì rất là may mắn, còn tiếp tục hạn hán thế này, thì quay lại câu chuyện năng lực tài chính của EVN phải ứng phó tình huống này như thế nào. Theo tôi, tình trạng khẩn cấp này cần có sự can thiệp lớn nhất của Chính phủ, Quốc hội”, Giám đốc CEGR nhận định.

Còn đối với người dân, Giám đốc CEGR cho rằng cần xu hướng đầu tư cho nguồn điện tự sản tự tiêu, tránh phụ thuộc vào nguồn cung của EVN và giảm bớt gánh nặng cho cung ứng điện.

Quy hoạch điện VIII cho phép đầu tư không giới hạn điện mặt trời mái nhà, nhắm đến mục tiêu 50% tòa nhà công sở hộ gia đình lắp đặt điện trời mái nhà. Để thực hiện được điều này, các bộ ngành cần sớm ban hành các chính sách, quy định liên quan để có thẻ phủ sóng điện mặt trời mái nhà ở hộ dân một cách nhanh nhất.

Phạm Mơ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.