|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hệ sinh thái Trung Sơn Pharma vừa được nhà đầu tư Hàn Quốc rót vốn khủng

06:30 | 08/08/2023
Chia sẻ
Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng của Trung Sơn Pharma ngang ngửa FPT Long Châu và bỏ xa An Khang.

Đầu tháng 8, Tập đoàn dược phẩm Hàn Quốc Dongwha Pharm thông báo đã ký một thỏa thuận mua lại 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, chuỗi nhà thuốc tại phía Nam Việt Nam, trong một giao dịch tiền mặt trị giá khoảng 30 triệu USD.

Thương vụ dự kiến hoàn tất trong tháng 10, nhằm mục đích đa dạng hóa hoạt động của Dongwha thông qua các khoản đầu tư hơn nữa vào thị trường bán lẻ dược phẩm ở Việt Nam.

Nếu so với các chuỗi lớn như Long Châu, An Khang,… Trung Sơn Pharma có số lượng cửa hàng khiêm tốn hơn, với hơn 140 nhà thuốc, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam. Trong đó, Cần Thơ là “cứ điểm” của Trung Sơn Pharma với 45 nhà thuốc, còn lại là ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp,…

Chuỗi này có lịch sử lâu đời khi được giới thiệu là thành lập từ năm 1997. Đơn vị vận hành chuỗi Trung Sơn Pharma là công ty TNHH TrungsonCare do bà Trương Hoàng Thanh Trúc làm đại diện pháp luật.

Còn theo tờ Vietnamnet số ra hồi tháng 2/2021 cho biết Trung Sơn Pharma có hai đồng sáng lập là ông Trương Thanh Sơn - Tổng giám đốc và bà Trương Hoàng Thanh Trúc - Chủ tịch. Trước khi sáng lập Trung Sơn Pharma, ông Thanh Sơn là bác sĩ ngoại khoa.

Tại chuỗi nhà thuốc, ông Sơn có nhiệm vụ phát triển hệ thống, chuẩn hoá theo tiêu chuẩn, đồng thời ông đào tạo nhân viên. Trong khi bà Thanh Trúc dành thời gian để quản lý, vận hành.

 Hai đồng sáng lập Trung Sơn Pharma. (Ảnh: Vietnamnet).

Ngoài hơn 140 nhà thuốc, hiện Trung Sơn Pharma còn sở hữu một thẩm mỹ viện Trung Sơn Cosmetic, một trang thương mại điện tử bán dược phẩm TrungSonCare.com. Ngoài thuốc kê đơn và không kê đơn, Trung Sơn Pharma còn bán cả thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Trung Sơn Pharma mới chỉ thực sự bứt tốc trong 3 năm trở lại đây. Tháng 11/2021, Trung Sơn Pharma đã phủ sóng toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long với 100 nhà thuốc. Đây là thời điểm các ông lớn như Thế Giới Di Động, FPT Retail,… liên tục đổ tiền vào chuỗi bán lẻ dược phẩm để tăng nhanh quy mô khiến sự cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt.

Trao đổi với tờ Vietnamnet, Tổng giám đốc Trương Thanh Sơn nói: “Như người đi giữa dòng nước xiết, bạn sẽ làm gì để vượt qua khó khăn đang vây bủa quanh mình?”. Khoảng thời gian sau đó, từ xuất phát điểm 10 nhà thuốc, Trung Sơn Pharma đã có trong tay 100 nhà thuốc và đến thời điểm hiện tại là 141 cửa hàng với hơn 1.000 dược sĩ.

Chuỗi nhà thuốc này đang kỳ vọng vào sự hợp tác với Dongwha Pharm có thể đem lại một động lực tăng trưởng mới, tăng cường hơn nữa sự hiện diện bán lẻ của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026.

Theo tờ Business Korea, năm ngoái với 140 cửa hàng, Trung Sơn Pharma đạt khoảng 56,5 triệu USD doanh thu, tức hơn 1.340 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 46% kể từ 2019. Cùng năm, Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng doanh thu thuần với 937 cửa hàng và An Khang có doanh thu là 1.500 tỷ đồng với 500 hiệu thuốc (số liệu tính đến hết năm 2022).

Như vậy, trung bình mỗi cửa hàng Trung Sơn Pharma mang về hơn 9,6 tỷ đồng doanh thu, tương đương với Long Châu là 10,2 tỷ đồng và cao hơn An Khang gấp nhiều lần khi trung bình mỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kiếm được 3 tỷ đồng/năm.

 

Hiện người viết chưa tiếp cận được con số lợi nhuận của Trung Sơn Pharma. Tuy nhiên, trong top 3 đường đua bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam, hiện chỉ ghi nhận Long Châu của FPT Retail đã có lãi.

Để tăng hiệu quả hoạt động, thời gian tới, sau khi về tay tập đoàn Hàn Quốc, Trung Sơn Pharma có thể sẽ tập trung vào mảng thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khoẻ - những lĩnh vực mà Dongwha Pharm có thế mạnh. 

Thực tế, đây cũng là ý định của Dongwha Pharm. Dongwha Pharm bày tỏ kế hoạch sẽ đánh chiếm thị trường dược tại Việt Nam với danh mục thuốc không kê đơn như Whal Myung Su, Each Paste và Pancold. 

Ngoài ra, do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm liên quan đến vitamin, hồng sâm và các sản phẩm làm đẹp tại Việt Nam, tập đoàn Hàn Quốc cũng kế hoạch tăng cường cung cấp sản phẩm của mình với các sản phẩm bổ sung sức khỏe và mỹ phẩm.

“Thương vụ mua lại này là một bước quan trọng hướng tới việc mở rộng chiến lược của chúng tôi sang thị trường dược phẩm và làm đẹp Đông Nam Á. Chúng tôi sẵn sàng khẳng định mình là người dẫn đầu trong lĩnh vực K-Pharma, chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp”.

Nói về lĩnh vực tiềm năng này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ chuỗi An Khang cũng từng thừa nhận rằng sẽ phát triển rất “ngon lành”. “Nhìn nhận chung, ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất ngon lành”, ông Tài nói.

Ngoài ra, tuy có nhiều nhà thuốc nhỏ lẻ và ba "ông lớn" cạnh tranh song thị trường dược phẩm nói chung tại Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác, đây cũng là lý do mà Dongwha Pharm quyết định rót gần 30 triệu USD vào Trung Sơn Pharma để nắm 51% cổ phần.

Theo BMI, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng một cách nhanh chóng, đang có giá trị hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP trong năm 2022. 

Dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 13 tỷ USD. Năm 2022, tiền thuốc bình quân đầu người đạt khoảng 75 USD (tương đương hơn 1,7 triệu đồng).

Đức Huy