|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Hệ sinh thái' của anh em ông chủ GEM Center

16:43 | 30/06/2019
Chia sẻ
Nhiều công ty thuộc Tập đoàn PQC có cấu trúc cổ đông khá tương đồng, bao gồm sự góp mặt của PQC Hospitality nắm giữ tỷ lệ chi phối, số cổ phần còn lại chia đều cho 2 cá nhân “sinh đôi” là ông Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý sở hữu.


'Hệ sinh thái' của anh em ông chủ GEM Center - Ảnh 1.

Địa chỉ Trung tâm Hội nghị White Palace (Tp. HCM) cũng là trụ sở đăng ký kinh doanh của nhiều công ty thuộc "Tập đoàn PQC" (Ảnh: Internet).

Như VietTimes đã đưa tin trước đó, CTCP PQC Convention (PQC Convention) đã chào bán thành công 180 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - Mã CK: MBB). Để đảm bảo cho khoản trái phiếu này, PQC Convention đã thực hiện thế chấp nhiều tài sản có mức định giá lên tới 640 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bản công bố thông tin cũng tiết lộ về cơ cấu cổ đông của PQC Convention bao gồm: CTCP PQC Hospitality (Tên cũ: CTCP Tập đoàn PQC - viết tắt: PQC Hospitality) và 2 cá nhân là ông Nguyễn Hữu Phú và ông Nguyễn Hữu Quý.

Theo dữ liệu của VietTimes, tính tới năm 2018, PQC Convention có vốn điều lệ đạt 510 tỷ đồng, trong đó: PQC Hospitality sở hữu 45,2 triệu cổ phần (chiếm tỷ lệ 88,6%), ông Nguyễn Hữu Phú và ông Nguyễn Hữu Quý mỗi người sở hữu 2,9 triệu cổ phần (chiếm 5,68% vốn).

Số cổ phần của PQC Hospitality và ông Nguyễn Hữu Phú tại PQC Convention đều đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại MBBank - Chi nhánh Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý có cùng ngày tháng năm sinh (10/6/1973), địa chỉ hộ khẩu và đăng ký thường trú cũng có nhiều điểm tương đồng. Trong khi đó, PQC Hospitality (hay Tập đoàn PQC) cũng sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp do hai cá nhân này góp vốn thành lập.

Thành danh nhờ “Sinh Đôi”

Từ năm 1997, ông Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý đã hợp tác cùng Công ty Sao Mai tạo dựng và phát triển thương hiệu nhà hàng tiệc cưới Sinh Đôi (số 120 Lý Thái Tổ, phường 2, quận 3, TP HCM). 

Để rồi từ đây, hai anh em “sinh đôi” đã xây dựng được “hệ sinh thái” bao gồm nhiều thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, tổ chức hội nghị, tiệc cưới trên địa bàn Tp. HCM.

'Hệ sinh thái' của anh em ông chủ GEM Center - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý tại một buổi giao lưu tại Tp. HCM (Ảnh cắt từ clip)

Tới tháng 6/2015, nhà hàng Sinh Đôi bất ngờ thông báo dừng hoạt động do ông Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý muốn “phát triển những dự án mới”.

Trong những thông cáo được phát đi, có nêu rõ:

“Song song với việc quản lý và điều hành nhà hàng tiệc cưới Sinh Đôi, năm 2007, hai ông Phú, Quý quyết định thành lập Công ty cổ phần Phú Quý, nay là Công ty cổ phần PQC, tập trung đầu tư trong lĩnh vực công nghệ hiếu khách (hospitality).

Trong gần 8 năm qua, Công ty cổ phần PQC đã xây dựng và phát triển các thương hiệu như: Trung tâm hội nghị White Palace; W Gourmet – Thương hiệu thực phẩm chế biến cao cấp; GEM Center – Trung tâm hội nghị, sự kiện và biểu diễn; Nhà hàng The LOG”.

Theo tìm hiểu của VietTimes, địa chỉ của Trung tâm hội nghị White Palace tại số 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM cũng là nơi được đăng ký làm trụ sở chính cho nhiều công ty thuộc “Tập đoàn PQC” gắn liền với "hệ sinh thái" xoay quanh 2 doanh nhân Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý.

'Hệ sinh thái' của anh em ông chủ GEM Center - Ảnh 3.

GEM Center tọa lạc trên một khu đất quốc phòng nhưng lại được xác định là... “chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng”.

Về Tập đoàn PQC

Là doanh nghiệp “hạt nhân” của Tập đoàn PQC, công ty PQC Hospitality được thành lập năm 2007, đăng ký địa chỉ trụ sở chính ngay tại Trung tâm hội nghị White Palcace, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Hữu Phú.

PQC Hospitality là công ty mẹ, góp vốn vào nhiều công ty như: CTCP PQC Hotel & Restaurant (vốn điều lệ 55 tỷ đồng), CTCP PQC Trường Xuân (vốn điều lệ 80 tỷ đồng), CTCP PQC Vạn Xuân (vốn điều lệ 50 tỷ đồng) và PQC Convention (quy mô vốn 510 tỷ đồng).

Cơ cấu cổ đông của các công ty này có nhiều điểm tương đồng khi PQC Hospitality nắm giữ tỷ lệ chi phối, 2 ông Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý chia đều số cổ phần còn lại.

'Hệ sinh thái' của anh em ông chủ GEM Center - Ảnh 4.

Trong số các công ty con của PQC Hospitality, công ty PQC Convention nổi bật hơn cả với việc quản lý một loạt trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cốt lõi trong "hệ sinh thái" của 2 ông Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Hữu Quý.

Vừa qua, PQC Convention đã công bố thông tin về việc phát hành thành công 180 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 6 năm, với mức lãi suất cho kỳ đầu tiên là 9,6%/năm.

Trong đó, PQC Convention đã sử dụng quyền khai thác Dự án Trung tâm hội nghị GEM Center tại số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, ĐaKao, Quận 1, Tp. HCM để làm tài sản đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu này.

Cần phải lưu ý rằng, đây là khu đất quốc phòng nhưng “chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng” và được Bộ Quốc phòng giao cho PQC Convetion sử dụng vào mục đích kinh tế theo Quyết định số 3832QĐ - BQP ký ngày 08/10/2013. Tài sản này được định giá lên tới 477 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động tích cực tại Tp. HCM, PQC Convention hiện đang là chủ đầu tư của Trung tâm hội nghị quốc tế, các công trình đa chức năng và khu vui chơi giải trí phục vụ công cộng 35 tầng tại tỉnh Cần Thơ. Dự án này có quy mô 5,95ha, tổng vốn đầu tư hơn 435,5 tỷ đồng và có thời hạn hoạt động kéo dài tới 50 năm.

Ngoài các công ty kể trên, hai doanh nhân này cũng đồng hành cùng nhau tham gia góp vốn thành lập nên nhiều công ty khác, trong đó, có thể kể đến như: CTCP PQC Academy (đã giải thể), CTCP PQC Thanh Xuân, Công ty TNHH Phú Quý Brother, CTCP Phú Quý Thủy Mộc,...

Xây dựng phương án thiết kế cho Nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm

Nên biết, cuối năm 2017, Công ty Cổ phần PQC Convention chính là cái tên đã được Tp. HCM chọn làm đơn vị xây dựng phương án thiết kế cho Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Tp. HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công trình được yêu cầu là có trang thiết bị hiện đại, quy mô tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chiều cao gần 10 tầng và 3 tầng hầm.

Chưa rõ PQC Convention đã thực hiện sao với "đơn đặt hàng" của Tp. HCM, chỉ biết rằng, tháng 10/2018, Kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khóa IX (kỳ họp bất thường) đã thông qua dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (HBSO) ở Thủ Thiêm.

Thông tin được công bố cho thấy, nhà hát sẽ nằm ở lô 1-21 trong khu chức năng số 1, thuộc khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Theo dự tính, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng, sử dụng vốn từ nguồn ngân sách của thành phố. Vốn để xây dựng nhà hát sẽ lấy từ số tiền bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) trước đó. Quy mô dự kiến của nhà hát là 1.700 chỗ và có hai khán phòng, gồm khán phòng lớn với sức chứa 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ.

Quyết định xây dựng HBSO của của Tp. HCM sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều - thậm chí là phản đối gay gắt - từ dư luận.

Phạm Duy