Hệ quả những chính sách xung đột thương mại thời kỳ Donald Trump (Phần 1)
Châu Âu có thể trở thành mục tiêu chiến tranh thương mại tiếp theo của ông Trump |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN |
Thái độ "thù địch" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khái niệm toàn cầu hóa đang hủy hoại sức hấp dẫn của nước này như là một “thiên đường” của các hoạt động kinh doanh.
Hiện tượng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp ra khỏi Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng thu nhập của nước này trong dài hạn, khiến số lượng công ăn việc làm có mức lương cao sẵn có đi xuống, và làm tăng cường sự dịch chuyển thương mại toàn cầu ra khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự di dời đó sẽ khiến toàn bộ nền kinh tế thế giới bất ổn hơn nữa. Vài tháng trước, trên tạp chí Foreign Affairs có đăng bài viết cho rằng các chính sách của chính quyền Trump có thể dẫn đến sự xuất hiện của một nền kinh tế thế giới hậu nước Mỹ.
Hiện nay, các sự kiện dường như đang diễn ra theo chiều hướng đó. Điều rõ ràng nhất là cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump đang leo thang đã lấy đi của người Mỹ công ăn việc làm trong các ngành công nghiệp xuất khẩu và làm giảm sức mua của Mỹ.
Trong khi đó, những tổn hại trực tiếp này là có hạn và nền kinh tế toàn cầu có thể thích ứng với các khoản thuế từ Washington. Vai trò của Mỹ đối với chế độ thương mại dựa trên các quy tắc ít quan trọng hơn là trong các lĩnh vực kinh tế khác. Thương mại có thể bị hạn chế, nhưng không bao giờ chấm dứt hoàn toàn.
Mặc dù các chỉ số kinh tế tiêu chuẩn, như giá trị đồng USD, thị trường chứng khoán Mỹ, lãi suất đối với nợ chính phủ của Mỹ, hiện đều khá ổn định, không nói lên nhiều về việc liệu nền kinh tế thế giới có đang chuyển sang kỷ nguyên hậu nước Mỹ hay không, song bắt đầu xuất hiện xu hướng các nước lớn đã đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại giữa họ với nhau mà không có Mỹ, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và thỏa thuận thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Nhật Bản được ký kết gần đây.Điều này cho thấy một thế giới kinh tế hậu nước Mỹ, nơi mà mọi sự đầu tư đều kém chắc chắn và bị chính trị hóa nhiều hơn đang được hình thành.
Điều đó thể hiện rõ ràng trong các quyết định kinh doanh về các khoản đầu tư lớn trong dài hạn, như việc xây dựng các cơ sở hạ tầng sản xuất lớn; việc các công ty nước ngoài tiếp quản và sáp nhập với các công ty của Mỹ; và việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu và người lao động.
Đây là những chỉ số đáng tin cậy cho thấy cách các thị trường thực sự nhìn nhận về các chính sách của Tổng thống Trump mà có tác động đến tương lai.Không giống những dòng chảy vốn hoặc các chỉ số tâm lý có tính chất suy đoán, các kiểu quyết định đầu tư này của doanh nghiệp phải được đưa ra với suy tính về tầm nhìn 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm, và một khi được hiện thực hóa thì chúng khó có thể bị đảo ngược. Do đó, nếu sức hấp dẫn tương đối của việc đầu tư vào Mỹ so với các nước khác suy giảm, thì đầu tư trực tiếp vào Mỹ cũng sẽ như vậy.So sánh cùng kỳ có thể nhìn vào các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Mỹ trong quý I/2018, quý gần đây nhất mà dữ liệu lấy được từ Cục phân tích kinh tế Mỹ, và trong cùng kỳ năm 2017 và 2016. Trong quý I/2016, tổng lượng đầu tư ròng chảy vào Mỹ là 146,5 tỷ USD. Con số của cùng kỳ năm 2017 là 89,7 tỷ USD. Năm 2018, con số này giảm xuống còn 51,3 tỷ USD.
Sự sụt giảm này không phải do những thay đổi trong dòng đầu tư của Trung Quốc, vốn chảy hai chiều và do đó hầu như không đóng góp gì cho những sự thay đổi về số liệu ròng. (Mỹ đã chứng kiến một dòng đầu tư ròng nhỏ trị giá 4,5 tỷ USD từ Trung Quốc chảy vào trong quý I/2018 và một dòng đầu tư ròng nhỏ trị giá 300 triệu USD chảy sang Trung Quốc trong cùng kỳ năm 2018). Sự giảm sút này là kết quả của một sự suy giảm chung về sức hấp dẫn của Mỹ như là một địa điểm để đưa ra các cam kết kinh doanh dài hạn.