|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hé lộ kế hoạch cải cách lần ba của HSBC trong một thập kỉ

06:24 | 08/02/2020
Chia sẻ
Với nỗi thất vọng tràn trề về HSBC Holdings, các cổ đông cho rằng thời gian của Chủ tịch Mark Tucker để xoay chuyển tình thế đang dần cạn kiệt, Bloomberg đưa tin.

Từng là giám đốc của một công ty bảo hiểm, Ông Mark Tucker – vốn đến làm việc cho HSBC trong năm 2017 sau khi tạo dấu ấn tại châu Á – lên kế hoạch triển khai tái cấu trúc cho HSBC sau hai lần cải cách hậu khủng hoảng trước đó.

HSBC lên kế hoạch cải cách lần thứ ba trong 1 thập kỷ - Ảnh 1.

Ông Mark Tucker

Các chuyên viên phân tích, nhà đầu tư và các giám đốc cho rằng HSBC có chi phí quá cao, quy định quá nhiều, trong khi lợi nhuận tạo ra lại không đủ.

Ông Joseph Dickerson, Chuyên viên phân tích tại Jefferies International, cho hay: "Đây là một trong những nỗ lực tái cấu trúc cuối cùng của họ", đồng thời nói thêm chi phí của HSBC bị mắc kẹt ở mức quá cao do phải quản lí một chuỗi doanh nghiệp liên kết.

Trong lần tái cơ cấu lần này, HSBC có lẽ sẽ thu hẹp bộ phận giao dịch cổ phiếu và bỏ bớt các đơn vị ở Thổ Nhĩ Kỳ và Oman. Thậm chí, còn có khả năng họ sáp nhập bộ phận doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư, dựa trên nguồn tin thân cận.

HSBC cũng sẽ cắt giảm lượng nhân viên trong tổng số 237.000 người. Kế hoạch tái cơ cấu lần này sẽ tập trung nhiều hơn ở châu Á vì đây là nguồn tạo ra 90% lợi nhuận cho HSBC.

Cổ phiếu của HSBC – công ty tài chính lớn nhất của châu Âu về giá trị vốn hóa – lao dốc kể từ đầu thập kỷ trước. Trong khi đó, cổ phiếu JPMorgan Chase đã cao hơn gấp ba lần.

Ánh mắt nghi ngờ từ nhà đầu tư

Eric Moore, Chuyên gia quản lý danh mục tại Miton Group ở London, nhận định "nhà đầu tư khó lòng nhảy vào" quá trình tái cấu trúc nếu không xảy ra một điều gì đó "quá ghê gớm".

Ông cho rằng: "HSBC đã từng đưa ra nhiều kế hoạch chiến lược. Tại sao chiến lược lần này sẽ có hiệu quả?".

Thị trường lớn nhất của HSBC đang hứng chịu cuộc khủng hoảng, từ biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông cho tới dịch cúm corona ở Trung Quốc đại lục.

Steve Eisman, vị chuyên gia nổi tiếng nhờ đặt cược đi ngược với thị trường nhà ở của Mỹ trước đợt khủng hoảng năm 2008, cho biết đang bán khống cổ phiếu HSBC và Standard Chartered vì chúng có thể bị tổn thương vì sự suy giảm kinh tế của Hồng Kông.

Và trong lúc kế hoạch mở rộng khu vực địa lý không thể xoay chuyển tình thế, chiến lược dễ thấy nhất của HSBC là tăng cường tập trung vào châu Á.

Ông Tucker cho biết trong ngày 30/1: "Trong những năm kế tiếp, sức ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng về địa chính trị và kinh tế. Họ cũng mở cửa thị trường để chào đón các nhà đầu tư và công ty nước ngoài".

"Sau hơn 30 năm sống tại châu Á, tôi biết rằng nhiều thứ có thể được thể hiện rõ nhất qua câu tục ngữ của Trung Quốc: "Mỗi cánh cửa có thể là lối vào và cả lối ra".

HSBC đã và đang chuyển thêm nguồn lực tới châu Á – đặc biệt là Trung Quốc – từ năm 2015 trong kế hoạch do cựu CEO Stuart Gulliver khởi xướng.

Trước đó, John Flint, người đột ngột từ chức CEO trong năm 2019, đã cam kết rót tới 17 tỉ USD, phần lớn là vào khu vực Đồng bằng Châu Giang và để nâng cao công nghệ.

Kế hoạch lần này của HSBC có thể là tập trung chuyển thêm nguồn lực tới Singapore để tăng cường sự hiện diện tại châu Á mà không cần phải đổ thêm vốn vào Trung Quốc.

Cho dù là chiến lược nàothì việc triển khai chúng có thểcòn vướng phải nhiều rào cản, vì Noel Quinn, Giám đốc điều hành tạm thời, chưa chắc sẽ tiếp tục ở nguyên vị trí CEO trong tương lai.

Sự không chắc chắn về vai trò của ông Noel Quinn làm phiền lòng một số chuyên viên phân tích vì họ không biết ông có phải là lựa chọn cho ghế CEO trong tương lai hay không.

HSBC quyết định để mở quá trình tìm kiếm CEO tại một cuộc họp hội đồng quản trị tháng 1/2020 ở Dubai, dựa trên nguồn tin thân cận.

Ông Tucker trước đó từng nói rằng quá trình tìm kiếm người thay thế cho vị trí CEO có thể kéo dài tới 1 năm.

Trong khoảng thời gian này, ông muốn bổ nhiệm chức CEO cho người kinh nghiệm rộng, bao gồm cả kinh nghiệm trong hoạt động quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư. Trong khi đó, ông Quinn chỉ giữ vai trò chủ ngân hàng thương mại trong 20 năm qua.

Ông Tucker sử dụng cả 12 tháng để tìm kiếm người thay thế, dựa trên nguồn tin thân cận.

Tái cơ cấu

Ông Steven Bird – vốn rời khỏi Citigroup trong năm 2019 – nằm trong số những ứng cử viên có khả năng thay ông Quinn trong vị trí CEO. Trước đó, ông là trưởng bộ phận ngân hàng tiêu dùng toàn cầu của Citigroup.

Ông Quinn (57 tuổi) đã sa thải 3 nhà quản lý cấp cao trong tháng 12/2019.

HSBC vừa công bố một kế hoạch "thay máu" mới trong ngày thứ Tư (5/2). Cụ thể, ông Stephen Moss chuyển sang phụ trách khu vực châu Âu, Canada, Mỹ-Latinh và Trung Đông.

Còn Nuno Matos – trước đó phụ trách HSBC Mexico – sẽ giám sát khu vực châu Âu mỗi ngày và báo cáo cho ông Moss; còn ông Matos sẽ thay thế ông James Emmett, vốn đã nghỉ hưu. Kế hoạch thay máu này có thể đi cùng với một chiến lược tái cấu trúc sâu rộng.

Kế hoạch cực đoan nhất đang được HSBC xem xét có bao gồm sáp nhập các bộ phận của ngân hàng thương mại với một đơn vị ngân hàng đầu tư, dựa trên nguồn tin thân cận.

Ông Quinn đang phản đối ý tương này, nói với các đồng nghiệp rằng kế hoạch này có thể có tác động quá lớn và khiến khách hàng né xa HSBC. Ông Quinn đã dẫn dắt HSBC kể từ khi ông John Flint đột ngột rời đi trong tháng 8/2019.

Một kế hoạch khác là HSBC cắt giảm bộ phận bán và giao dịch chứng khoán – những bộ phận được xem là không quá quan trọng, dựa trên nguồn tin thân cận.

Minh Tuấn