Hé lộ hướng đi mới gỡ khó cho nới room
Trao quyền cho pháp luật chứng khoán
Việc triển khai quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoại tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán tiếp tục đối mặt với không ít vướng mắc. Trong đó có tâm lý e ngại từ phía các DN, bởi theo quy định của Luật Đầu tư, nếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên tại một công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, DN này bị coi là tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, vướng mắc trên đang có triển vọng được tháo gỡ, khi tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, có bổ sung nội dung mới là: “Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán...”.
Định hướng chính sách trên sẽ trao quyền cho pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán trong quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu thì DN niêm yết sẽ là nhà đầu tư nước ngoài.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, nếu định hướng chính sách trên được thông qua, UBCK sẽ đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ sửa đổi Nghị định 60/2015 theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến 63% vốn điều lệ trở lên (thay vì từ 51% như quy định của Luật Đầu tư) tại DN niêm yết không thuộc các những ngành nghề bị hạn chế tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài thì vẫn được coi là nhà đầu tư trong nước… Vấn đề này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, để vừa tháo gỡ vướng mắc cho áp dụng quy định nới room, vừa đảm bảo tránh tác động không mong muốn của việc nới room cho nước ngoài đến 100%.
Vị lãnh đạo trên kỳ vọng, một khi định hướng chính sách trên được thông qua sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trong triển khai quy định nới room, qua đó sẽ tạo ra nhân tố mới trong cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại tham gia TTCK Việt Nam.
... nhưng chưa chuẩn?
Nhìn nhận định hướng tháo gỡ vướng mắc cho triển khai quy định nới room như trên là điều các thành viên thị trường mong đợi suốt thời gian qua, nhưng một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán phát hiện, nội dung quy định tại dự thảo Luật có điểm chưa chuẩn, khi trao quyền cho pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán quyết định tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài tại các công ty niêm yết, công ty đại chúng, trong khi nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành, chẳng hạn như lĩnh vực ngân hàng là 30%...
Do đó, dự thảo luật cần điều chỉnh lại cho chuẩn là: “Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ trường hợp tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức này bị hạn chế theo quy định của pháp luật chuyên ngành...”.
Vị chuyên gia trên cũng cho rằng, theo đúng tinh thần mới về xây dựng luật là quy định cụ thể các nội dung trong luật, giảm thiểu phải chờ các văn bản hướng dẫn, dự thảo Luật cần bổ sung một nội dung liên quan đến tổ chức kinh tế là công ty đại chúng, quỹ đại chúng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tới bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ hoặc cùng với các tiêu chí khác thì được coi là tổ chức nước ngoài, thay vì chốt cứng một tỷ lệ là từ 51% trở lên như quy định của Luật Đầu tư hiện hành. Bởi thực tế, tỷ lệ này thay đổi liên tục ở các công ty đại chúng, quỹ đại chúng và việc kiểm soát tỷ lệ này là không khả thi.
Từ quy định này, có hai hướng để gỡ khó cho quy định nới room.
Thứ nhất, theo hướng thận trọng, tất cả các công ty đại chúng, quỹ đại chúng thành lập, hoạt động và niêm yết tại TTCK Việt Nam đều được coi là tổ chức trong nước trong các quan hệ đầu tư, mà không quan trọng sở hữu của bên nước ngoài. Với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần chưa đại chúng, DN FDI, quỹ thành viên..., nếu bên nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên thì coi như tổ chức nước ngoài như pháp luật đầu tư.
Thứ hai, theo hướng mở như thông lệ quốc tế, việc hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể chỉ áp dụng tại một số DN lớn, DN đặc biệt mà Chính phủ cần chi phối, chứ không áp dụng cho cả ngành, lĩnh vực (ví dụ chỉ hạn chế tỷ lệ sở hữu ở một số ngân hàng lớn hay DN hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân...). Đồng thời, khi đã không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cũng không cần xem xét khi nào được coi là tổ chức trong nước, khi nào được coi là nước ngoài. Tất cả các DN này đều được đối xử công bằng, bình đẳng.
Việc nới room tiếp tục là chủ đề cần được bàn thảo rộng rãi, để dự thảo Luật sửa đổi các luật sẽ trình Quốc hội tháng 10 tới có thể giải được bài toán “gỡ vướng” đã mắc từ hơn 1 năm nay.