|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hé lộ con số lợi nhuận các ngân hàng nửa đầu năm 2020

08:44 | 16/07/2020
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng đang được hé lộ dần với nhiều con số khả quan trong 6 tháng đầu năm 2020. Nhiều ngân hàng vẫn giữ mức lãi hàng nghìn tỉ đồng.

Giữa tháng 7, mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quí II nhưng nhiều ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm với con số lợi nhuận tương đối khả quan.

Kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng với lợi nhuận trước thuế đạt 2.034 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kì năm trước và bằng 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm (4.068 tỉ đồng).

Tính đến hết 30/6/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 181.000 tỉ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kì, vượt kế hoạch đặt ra trong năm 2020. Tổng huy động đạt trên 162.000 tỉ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kì.

Khác với TPBank, mức lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất hệ thống, công bố khá khiêm tốn ở mức 28,9 tỉ đồng. Ngân hàng đã mạnh tay trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 2.174 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, nâng tổng quĩ dự phòng rủi ro lên gần 14.000 tỉ đồng.

Dù vậy, các chỉ tiêu kinh doanh khác của SCB vẫn ghi nhận sự khả quan khi huy động vốn và cho vay lần lượt tăng 8,2% và 3,04% so với đầu năm đạt tương ứng 528.720 tỉ đồng và 344.033 tỉ đồng.

Chưa chính thức công bố con số nhưng trong kì đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào tháng 5, nhiều ngân hàng khác cũng đã đưa ra mức ước tính lợi nhuận của nửa đầu năm, phần lớn trong số đó đều khá lạc quan.

Chia sẻ trong ĐHĐCĐ trong tháng 5, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ lợi nhuận dự kiến đến hết quí II/2020 đạt sẽ đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kì năm trước.

Mặc dù VietinBank vẫn bỏ ngỏ về chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 tuy nhiên, với việc tín dụng bắt đầu tăng trở lại vào cuối quí II cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong kết quả kinh doanh của ngân hàng này.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng ngân hàng đạt trên 772.000 tỉ đồng, tăng 5% so với 2019. Trong đó, tín dụng bán lẻ tăng trưởng 7,4%, chiếm 51,8%/tổng dư nợ và tăng thêm 1,2 điểm % so với 2019.

Trước đó tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết lợi nhuận dự kiến 6 tháng của ngân hàng ngót nghét mức cùng kì 2019, khoảng 11.300 tỉ đồng.

Ngoài các "ông lớn", một số ngân hàng cổ phần lớn như VPBank, HDBank cũng đã công bố con số lợi nhuận ước tính nửa đầu năm. 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm ước đạt 5.100 tỉ đồng, tương đương 50% kế hoạch của năm. Ngân hàng dự kiến mức lợi nhuận đến cuối tháng 6 sẽ đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kì năm trước. 

Năm 2020, VPBank đặt kế hoạch khiêm tốn lợi nhuận giảm nhẹ 1,1% với 10.214 tỉ đồng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết lợi nhuận cả năm 2020 có thể đạt mức cao hơn từ 10% - 20% so với mục tiêu.

Cùng với đó, Ngân hàng TMPCP Phát triển TP HCM (HDBank) ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.300 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch năm. Trong năm 2020, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 13% so với năm trước.

Áp lực nợ xấu, nhu cầu tín dụng giảm

Có thể thấy, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và mục tiêu cả năm của các ngân hàng đang mở ra một bức tranh tương đối lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn. 

Trong kết quả điều tra mới nhất của NHNN, 54,3% TCTD kì vọng quí III/2020, kết quả hoạt động kinh doanh cải thiện tốt hơn so với quí II/2020, trong khi 15,3% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.

Tuy nhiên, chỉ riêng con số lợi nhuận sẽ chưa phản ảnh đầy đủ tình trạng kinh doanh của các ngân hàng. Nợ xấu tăng kết hợp nhu cầu tín dụng giảm dự kiến là hai yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng và điều đó sẽ thể hiện rõ khi càng về cuối năm, theo một số chuyên gia.

Trong khảo sát của Vietnam Report, 96,15% các chuyên gia và ngân hàng của cho rằng một trong những thách thức lớn nhất với ngân hàng là xu hướng gia tăng nợ xấu dưới tác động của đại dịch COVID-19. Nợ xấu được nhận định có thể sẽ tăng trong thời gian tới khiến lợi nhuận ngân hàng có thể chưa phản ánh được những khoản sẽ phải trích lập dự phòng trong tương lai.

Cùng với đó, theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến 16/6 mới chỉ đạt 2,13%, chưa bằng một nửa so với cùng kì năm trước (5,7%). Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện rất lớn, tuy nhiên vẫn thấp hơn rất nhiều so với các năm gần đây.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đang được nhận định là yếu. Các ngân hàng có thể sẽ phải hi sinh một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, kích cầu tín dụng. 

Lê Huy

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.