Hé lộ 1% công việc Trung Quốc 'làm mãi không xong' tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 1% khối lượng công việc còn phải thực hiện nốt tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chủ yếu là hoàn thiện mỹ quan và lắp đặt nốt thiết bị ở 1 số đơn thể khu Depot.
Lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, các hạng mục công trình xây dựng của Dự án đã hoàn thành, đang được chỉnh trang hoàn thiện mỹ quan; hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công; thủ tục nghiệm thu. Tổng thầu Trung Quốc chưa đưa về dự án những xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)
“Phía Tổng thầu Trung Quốc chưa lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu hoặc phải thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển trước đây phải khắc phục như một số máy chủ hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Cùng với đó, Tổng thầu cần phải thực hiện nốt các thử nghiệm và các bước đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị. Vận hành thử toàn hệ thống để kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, khối lượng công việc còn lại tuy không nhiều nhưng khá phức tạp và mất nhiều thời gian, nhiều nội dung thử nghiệm phải vừa thực hiện vừa căn chỉnh.
“Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng thầu khẩn trương, tập trung thực hiện với yêu cầu chất lượng, an toàn là trên hết, không thể làm vội mà để xảy ra sai sót, đặc biệt là các thử nghiệm, đánh giá an toàn đoàn tàu, hệ thống điều khiển chạy tàu tự động.” - Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản” do “vướng” 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Hiệp định này cho phép bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Cần phải nói thêm rằng, đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, là dự án trọng điểm quốc gia, công trình cấp đặc biệt. Tuy nhiên đến nay Dự án vẫn chưa thể hoàn thành chuyển sang chạy thương mại và có nguy cơ kéo dài, do tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Vừa qua, Bộ GTVT và Tham tán công sứ thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc đã họp kiểm điểm tình hình Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) 2 tuần/lần. Hai bên đã yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc cam kết mốc thời gian cụ thể đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/