HDBank và lợi ích 'hưởng sái' từ Petrolimex sau sáp nhập
Thương mại Dầu khí – Petechim không thể trở thành cổ đông của HDBank vì… vướng luật |
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), HDBank lựa chọn PG Bank làm đối tượng sáp nhập không những đơn thuần nhắm đến việc mở rộng quy mô của ngân hàng mà còn "để mắt" tới khả năng hợp tác với Petrolimex.
PG Bank đã "hút mật" từ Petrolimex như thế nào?
Petrolimex có hơn 20 triệu khách hàng với khoảng 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và 5,200 đại lý trên toàn quốc. Mối hợp tác với Petrolimex cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho PG Bank trong suốt thời gian qua với việc thu lợi từ khoản tiền gửi không kỳ hạn lớn và việc trả tiền lương cho cán bộ nhân viên của tập đoàn này.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của PG Bank là 23,6% vào cuối năm 2017 cao hơn so với mức trung bình của các ngân hàng trong danh mục theo dõi của VCSC là 20%.
Một nguyên nhân thông thường để lý giải cho tỷ lệ CASA cao tại các ngân hàng Việt Nam là từ các cổ đông chiến lược trong nước là các tập đoàn lớn. Có thể hình dung như MBBank được hỗ trợ bởi Viettel có tỷ lệ CASA cao nhất ngành với 30,1%; Techcombank có tỷ lệ CASA 24,1% nhờ vào các mối quan hệ tốt với những công ty lớn hàng đầu trong nước và có vị thế thống trị trong mảng khách hàng bán lẻ cao cấp.
Đối với PGBank, Petrolimex là Tập đoàn Nhà nước lớn hỗ trợ cho ngân hàng. Khoảng 3.000 tỷ đồng tiền gửi thanh toán (lãi suất 0,1-0,3%), vốn là quỹ bình ổn giá xăng dầu được gửi tại PGBank. Ngoài ra, Petrolimex cũng thanh toán lương cho cán bộ công nhân viên thông qua PGBank.
Trong năm 2017, PGBank ghi nhận chi phí huy động 4,7% trong khi trung bình các ngân hàng khác là 4,2%, vốn bị ảnh hưởng bởi chi phí huy động thấp từ các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, PGBank đã vượt các ngân hàng tư nhân như VPBank (5,3%), Sacombank (5,1%) và ACB (4,9%) nhờ tỷ lệ CASA vượt trội đươc đề cập ở trên.
PGBank là ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ, có thể dễ nhận thấy khi quan sát tỷ trọng danh mục cho vay bán lẻ trong tổng cho vay, chiếm 31,7% tổng danh mục cho vay năm 2017. Lợi suất tài sản có sinh lãi của PG Bank xếp thứ tư trong danh sách các ngân hàng VCSC theo dõi khi đạt 7,9%. Chỉ xếp sau VPBank (tính riêng ngân hàng mẹ là 9,8%), Sacombank (8,3%) và ACB (8,3%) đều là các tên tuổi lớn trong mảng cho vay bán lẻ. Đặc biệt là VPBank vốn cũng có một tỷ trọng nhỏ trong danh mục cho vay tương tự các khoản vay không tài sản đảm bảo.
"Tiềm năng" Petrolimex khi PG Bank sáp nhập vào HDBank
Thương vụ sáp nhập giữa HDBank và PG Bank được đánh giá là mang lại lợi ích không nhỏ cho ngân hàng mới với đồng thời có mối quan hệ mật thiết với hai tổ chức lớn là Vietjet Air và Petrolimex.
Petrolimex có thể thu về 1.327 tỷ đồng từ thương vụ sáp nhập giữa HDBank và PG bank |
Tháng 4/2018, HDBank đã ký hợp đồng độc quyền có thời hạn 10 năm với Petrolimex với nhiều điều khoản về quản lý dòng tiền, tín dụng và bán chéo sản phẩm. Hợp đồng này được nhận định là làm gia tăng tỷ lệ thành công của thương vụ sáp nhập HDBank.
Hợp tác với Petrolimex cũng được đánh giá là thúc đẩy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của HDBank khi cho phép HDBank tiếp cận và quản lý tiền lương nhân viên của Petrolimex.
HDBank cho biết tiền gửi không kỳ hạn có thể đạt được từ mối quan hệ với Petrolimex là 5.700 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng huy động ngắn hạn tại Petrolimex (dưới 3 tháng) tính đến ngày 31/12/2017 là 14.233 tỷ đồng, bao gồm 5.706 tỷ đổng tiền gửi thanh toán.
Ngoài ra, VCSC cũng cho rằng mối quan hệ với Petrolimex sẽ mang lại một số lợi ích nhất định cho mảng hàng không của đổi tác Vietjet Air của HDBank.