Hậu Giang sẽ có gần 50.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu, tham gia thu mua lúa gạo của Hậu Giang để triển khai đạt diện tích đề ra.
Từ đó góp phần xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở tỉnh Hậu Giang. Vùng chuyên canh này sẽ mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao gia tăng giá trị trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cụ thể, quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Hậu Giang đến năm 2025 sẽ đạt 28.000 ha và đến năm 2030 sẽ đạt 46.000 ha.
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, triển khai xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tỉnh sẽ tổ chức các hộ trồng lúa thành các hợp tác xã, tổ hợp tác hay các tổ chức của nông dân. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất để cung cấp đầu vào chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ trồng lúa. Cùng với đó là hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistic gắn với vùng chuyên canh có sự tham gia của các hợp tác xã và doanh nghiệp.
Nhất là tỉnh tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số; cấp mã số vùng trồng lúa xuất khẩu. Song sóng đó, tỉnh đào tạo năng lực cho các cán bộ nông nghiệp tại địa phương; xây dựng chương trình khuyến nông riêng cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp; trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng.
Hậu Giang dự kiến thực hiện vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025), tỉnh tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) là 28.000 ha.
Giai đoạn 2 (2026-2030) tỉnh xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 18.000 ha. Giai đoạn này tỉnh tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống, đồng thời duy trì bền vững ở những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trong giai đoạn 2024-2025.
Tỉnh Hậu Giang có diện tích đất nông nghiệp hơn 140.000 ha, tương đương 86,58% trong cơ cấu diện tích đất toàn tỉnh; trong đó, đất trồng lúa chiếm hơn 50%, tương đương gần 77.000 ha.
Năm 2023 diện tích gieo trồng lúa của Hậu Giang đạt hơn 177.000 ha, đạt 102,2% kế hoạch năm. Sản lượng lúa năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn, đạt 102,4% kế hoạch năm. Trong những năm qua Hậu Giang đã dịch chuyển cơ cấu giống lúa dần từ nhóm chất lượng thấp như IR 50404, OM 576 (Hàm Trâu) sang các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18, Jasmine 85, RVT, Đài thơm 8, ST24, ST25….