|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua vũ trụ lắm chông gai của Jeff Bezos: Có tầm nhìn xa nhưng luôn đi sau các đối thủ, bị cáo buộc phớt lờ văn hóa độc hại tại Blue Origin

10:51 | 04/04/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia tin rằng Blue Origin bằng mọi giá phải đạt được thành công, nhưng cho đến nay công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú Jeff Bezos dường như đang để các đối thủ đi trước.

Điểm chung của ba cái tên Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson đó là họ đều là những tỷ phú giàu bậc nhất thế giới. Ngoài ra, ba cái tên này còn có một điểm chung khác, họ đều đang bắt đầu cho cuộc đua ngành hàng không vũ trụ.

Dù vậy, trong một ngành công nghiệp được đánh giá là tiềm năng và có thể mang lại cho các tỷ phú hàng tỷ USD, cái tên Jeff Bezos dường như đang bị tách ra khỏi cuộc đua này.

Người có tầm nhìn nhưng luôn đi sau các đối thủ

Tờ The Guardian cho biết trên lý thuyết, cuộc đua ngành hàng không vũ trụ đang mở ra cho tất cả mọi người, nhưng thực tế đây lại là cuộc chơi của SpaceX, đơn vị do tỷ phú Elon Musk sáng lập, và những người còn lại.

Tính đến tháng 10/2021, chỉ có công ty do Elon Musk thành lập đã gửi tên lửa lên quỹ đạo và quay trở lại trái đất một cách an toàn. Cũng chỉ có SpaceX đã hạ cánh thành công một tên lửa có kích thước bằng tòa nhà 15 tầng trên một con tàu bay không người lái giữa đại dương. Ngoài ra, có rất nhiều thứ khác mà chỉ một mình SpaceX mới làm được.

Thực tế, sự thống trị hoàn toàn của SpaceX trong ngành hàng không vũ trụ không phải là điều mà mọi người mong đợi. Ngày nay, lĩnh vực không gian thương mại đang diễn ra nhiều đổi mới và có tính cạnh tranh đặc biệt.

Relativity Space đang chế tạo tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới và có kế hoạch chế tạo tên lửa trên sao Hỏa bằng robot. Virgin Orbit đang đưa vệ tinh vào quỹ đạo bằng cách phóng tên lửa từ bên dưới cánh của một máy bay phản lực jumbo. Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson đã đưa con người lên rìa không gian từ một chiếc máy bay được phóng từ trên không. RocketLab đã phát triển động cơ tên lửa đầu tiên được trang bị một máy bơm điện và đang cố gắng đưa nó lên không trung bằng một mạng lưới kết nối với máy bay trực thăng.

 Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos được coi là đối thủ chính của SpaceX. (Ảnh: Reuters).

Cuối cùng, Blue Origin, công ty do tỷ phú Jeff Bezos thành lập cũng đã thành công trong việc đưa con người vào không gian trong một thời gian ngắn. Nếu có bất kỳ công ty nào được kỳ vọng phá vỡ sự thống trị của SpaceX, đó chỉ có thể là Blue Origin. Công ty này được thành lập vào năm 2000 bởi cựu CEO Amazon Jeff Bezos, chỉ hai năm trước khi SpaceX manh nha hình thành.

Tỷ phú Jeff Bezos thành lập Blue Origin với tầm nhìn xa, đó là đưa ngành công nghiệp nặng ra ngoài vũ trụ để giảm phát thải khí nhà kính cho trái đất, dựa trên cảm hứng từ Princeton Gerard K O’Neill, một nhà vật lý người Mỹ.

Công ty của ông đang chế tạo một tên lửa mạnh ngang với tên lửa đưa các phi hành gia Apollo lên mặt trăng và đã hợp tác với các nhà thầu quốc phòng hàng đầu bao gồm Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper để phát triển một tàu vũ trụ có thể đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng.

Blue Origin cũng đã thiết kế và chế tạo một trong những động cơ tên lửa mạnh nhất từng được thực hiện cũng như ký hợp đồng với United Launch Alliance để cung cấp động cơ cho tên lửa Vulcan thế hệ tiếp theo.

Theo đánh giá từ The Guardian, không có nghi ngờ gì về tầm nhìn của Jeff Bezos. Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao người giàu thứ hai thế giới lại không thể thực hiện tham vọng của mình?

Blue Origin sử dụng hàng nghìn kỹ sư tên lửa hàng đầu thế giới. Công ty cũng có một nguồn tiền được coi như “vô hạn” khi Jeff Bezos, người sở hữu khối tài sản ròng khổng lồ sẽ chi 1 tỷ USD mỗi năm cho Blue Origin. Bằng mọi cách, Blue Origin phải là một trong những công ty vũ trụ thành công nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, tháng 4/2021, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã trao hợp đồng cho phát triển dự án tàu đổ bộ đưa các phi hành gia lên mặt trăng cho SpaceX. Nếu dự án này thành công, đây không khác nào một đòn giáng mạnh vào tham vọng của Jeff Bezos.

Ngoài ra, một tuần trước thời điểm Blue Origin thực hiện thành công việc đưa một đoàn phi hành gia vào không gian, Virgin Galactic của Richard Branson đã làm đưcọ điều tương tự. Jeff Bezos dường như đã đi sau.

Văn hóa độc hại của Blue Origin

Năm 2021, một cựu nhân viên Blue Origin đã tiết lộ về thứ văn hóa “độc hại” tại công ty này cũng như của chính người sáng lập Jeff Bezos, theo Business Insider.

Cụ thể, Alexandra Abrams, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Blue Origin đã ký tên vào một bức thư ngỏ có chữ ký của 20 người khác đã tố cáo rằng công ty hàng không vũ trụ của Jeff Bezos đã hy sinh sự an toàn và tạo ra một môi trường làm việc phân biệt giới tính.

 Blue Origin bị cáo buộc bao che cho những hành vi độc hại trong doanh nghiệp. (Ảnh: NDTV).

Chia sẻ trên Quartz, Abrams nhớ lại rằng ban lãnh đạo cấp cao muốn thêm các thỏa thuận ràng buộc vào các hợp đồng của nhân viên. Những thỏa thuận này ngăn cản nhân viên đưa công ty ra tòa, thay vào đó buộc họ phải giải quyết các khiếu nại một cách riêng tư. Ngoài ra, trong hợp đồng còn có một điều khoản ngăn cấm nhân viên nói những điều tiêu cực về công ty.

Bên cạnh đó, bà Abrams còn tiết lộ một số lãnh đạo cấp cao Blue Origin đối xử một cách khiếm nhã với phụ nữ, thường gọi họ là “baby girl” hoặc “baby doll”, cũng như thường dò hỏi về các mối quan hệ tình cảm của nhân viên. Thậm chí, bà từng có những báo cáo về tình trạng quấy rối tình dục tại công ty, nhưng đa số bị phớt lờ.

Blue Origin đã từ chối bình luận về những báo cáo của Abrams. Trả lời thư ngỏ của bà, đại diện Blue Origin cho biêt: “Bà Abrams bị sa thải vì những lý do liên quan đến các quy định kiểm soát. Blue Origin không khoan nhượng với bất kỳ hành vi phân biệt hoặc quấy rối tình dục dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi cung cấp cho nhân viên nhiều công cụ để họ có thể kịp thời báo cáo về các hành vi sai trái”.

Doanh Chính

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.