Hàng vạn nhà đầu tư cuốn theo con sóng bộ ba cổ phiếu API, APS, IDJ: Từ FOMO, kỳ vọng hồi phục cho đến chờ đợi giải cứu
Câu chuyện những doanh nghiệp tăng lượng lớn cổ đông sau con sóng tăng giá phi mã của các cổ phiếu giai đoạn 2020 – 2021 không phải mới trên thị trường. Một chuyên gia chứng khoán nói rằng đây chính là thời điểm nhiều công ty niêm yết trên sàn “đại chúng hoá” một cách đúng nghĩa.
Quan sát từ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến những ngân hàng vốn hóa hàng tỷ USD, lượng cổ đông của các tổ chức tăng gấp bội qua con số cổ đông được công ty thông báo tại thời điểm chốt quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên các năm 2020, 2021 và 2022.
Việc thị trường đón thêm hàng triệu tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ, số lượng cổ đông của các công ty tăng vọt là một hệ quả tất yếu.
Song, vấn đề đáng quan tâm ở đây là một lượng tiền không nhỏ tham gia giao dịch với các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Khi cơ quan quản lý thị trường đẩy mạnh hoạt động thanh tra giám sát, nhiều “đội lái” đã bị xử lý hình sự. Điển hình là các vụ việc thao túng thị trường chứng khoán với 6 cổ phiếu xảy ra tại Tập đoàn FLC, hoạt động thao túng thị trường chứng khoán tại công ty Louis Holdings và Chứng khoán Trí Việt.
Mới đây nhất, Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại các công ty trong “nhóm APEC” bao gồm Chứng khoán APEC (APS), Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API), Đầu tư IDJ Việt Nam.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, những nhóm cổ phiếu trên đều tăng phi mã. Đà tăng giá của các mã thu hút được dòng tiền của thị trường, đẩy thanh khoản lên cao.
Những tháng cuối năm 2021, các nhóm cổ phiếu đầu cơ nhóm APEC, nhóm Louis hay họ FLC trở thành tâm điểm thảo luận trên các diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán. Cổ phiếu có nhiều phiên tăng liên tục bất chấp tình hình kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa.
Cổ phiếu IDJ và API tăng theo con sóng “cổ đất” với cả mã như DIG, CEO, CII cùng nhiều mã khác. Khi đó, chuyên gia và bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán lên tiếng cảnh báo việc “đếm cua trong lỗ” khi nhà đầu tư đổ tiền vào dựa trên thông tin quỹ đất của các doanh nghiệp mà không căn cứ vào tình trạng pháp lý của các dự án. Dòng tiền nóng, đỉnh điểm có lúc mã API gia nhập câu lạc bộ ba con số trên thị trường.
Còn với mã APS, cổ phiếu chứng khoán này cũng tăng giá hàng chục lần nhờ việc nắm giữ cổ phiếu IDJ, API cùng với “cổ đất” khác như CEO. Việc đánh giá lại danh mục đầu tư và chốt lời một phần danh mục giúp lợi nhuận của Chứng khoán APEC tăng lên cao kỷ lục trong năm 2021.
Một vòng tuần hoàn thông tin cuốn nhà đầu tư theo làn sóng FOMO, cổ phiếu IDJ và API tăng giá theo cơn sốt đất, sốt “cổ đất”, còn APS lại tăng khi nắm hai mã trên.
Sức nóng của bộ ba cổ phiếu trên được thấy rõ qua con số cổ đông. Nếu như đại hội đồng cổ đông năm 2020, tức là thời điểm APS chưa nổi sóng, Chứng khoán APEC chỉ có 1.342 cổ đông, đến kỳ đại hội cổ đông 2022 con số này đã lên đến 16.486.
Hay với IDJ, lượng cổ đông của công ty cũng tăng từ 1.316 cổ đông năm 2020 lên 14.198 nhà đầu tư tại kỳ đại hội năm 2022. Số lượng nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu API cũng tăng gấp hơn 6 lần chỉ sau hai mùa đại hội.
Một bộ phận lớn cổ đông các công ty trên là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Nếu quan sát kỹ, ngoài việc sở hữu chéo giữa các công ty trong “nhóm APEC”, người nội bộ và những người có liên quan, APS, API và IDJ ít có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân bên ngoài trên vai trò cổ đông lớn.
Một lý do khác khiến lượng cổ đông tăng cao đó là việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu tại APS và IDJ, dẫn đến lượng cung cổ phiếu dồi dào hơn. Trong năm 2021, Chứng khoán APEC thực hiện hai đợt tăng vốn liên tiếp thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ với tổng số cổ phần phát hành là 44 triệu đơn vị.
Với IDJ, công ty tăng vốn hai đợt liên tiếp khi phát hành tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu vào tháng 12/2020 và tháng 1/2022 với tổng số cổ phần phát hành trong 2 đợt là hơn 106 triệu cp.
Năm 2022, cả APS và IDJ đều muốn phát hành thêm tăng vốn nhưng bất thành. Cả hai đơn vị rút hồ sơ chào bán những ngày cuối năm do đánh giá điều kiện thị trường không thuận lợi.
Sang năm 2023, cả ba công ty tiếp tục với kế hoạch tăng vốn lớn. Đồng thành với tham vọng cả ba công ty vẫn là hàng vạn cổ đông. Cập nhật mới nhất tại APS, số nhà đầu tư nắm giữ cổ phần giảm hơn 2.200 cổ đông so với đại hội năm ngoái trong khi IDJ và API đều vẫn đón thêm cổ đông. Có thể việc những mã chứng khoán trên hồi phục mạnh sau giai đoạn giảm sâu là chính nguồn cơn. Những cổ đông nắm giữ trước đó chờ đợi cơ hội để “về bờ”, còn những nhà đầu tư mới khả năng họ kỳ vọng những cổ phiếu này có thể nổi sóng như giai đoạn trước.
Nhưng dù giao dịch trên cơ sở nào, một thực tế hiện giờ là một bộ phận nhà đầu tư đang rất lo lắng khi cả ba mã trên đều giảm sàn 4 phiên liên tiếp và mất thanh khoản. Trong phiên sáng nay (29/6), khối lượng dư bán giá sàn cổ phiếu IDJ là hơn 18,7 triệu đơn vị, API (13,56 triệu cp), API (6,3 triệu cp). Những người có nhu cầu cắt lỗ đang mong ngóng lực cầu “giải cứu”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/