Hàng trăm cơ hội giúp tài khoản chứng khoán tăng bằng lần năm Canh Tý
Hàng nghìn cổ phiếu tăng giá năm Canh Tý
Năm âm lịch Canh Tý (25/1/2020 đến 11/2/2021) được xem như năm bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc xuất hiện đại dịch COVID-19 khiến thị trường giảm sâu trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, thị trường đã hồi phục trở lại sớm sau đó.
Phiên cuối năm Canh Tý (9/2 dương lịch), nhà đầu tư hứng khởi "ăn tết" khi VN-Index tăng 31,75 điểm (2,93%), đóng cửa ở 1.114,93 điểm. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng 12,45%, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Trong một năm giao dịch tích cực của thị trường, nhà đầu tư dễ dàng dành được thắng lợi với kênh đầu tư chứng khoán. Theo thống kê (không tính đến các cổ phiếu mới niêm yết), toàn thị trường trong năm vừa qua có 1.017 mã tăng giá, áp đảo so với 475 mã giảm giá và 107 mã đứng giá tham chiếu.
Đáng chú ý, toàn thị trường có đến 913 cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm (bình quân là 6%). Như vậy, nhà đầu tư không có để có được một cơ hội đầu tư để đạt được mức lợi nhuận cao hơn so với việc gửi tiết kiệm.
Hàng trăm cơ hội 'ăn bằng lần' trong năm
Với một năm bùng nổ của thị trường, trên cả hai sàn (HOSE, HNX) và thị trường UPCoM có đến 185 mã chứng khoán tăng giá hơn 100%. Thống kê trên chưa bao gồm những cổ phiếu mới niêm yết trên hai sàn hoặc đặng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Theo thống kê, cổ phiếu SCI của CTCP SCI E&C dẫn dầu về tỷ lệ tăng giá với 896,62%. Giá mã này tăng mạnh từ 5.920 đồng/cp (đã điều chỉnh) lên 59.000 đồng/cp, có thời điểm tạo đỉnh tại 80.000 đồng/cp.
Cùng với SCI, cổ phiếu S99 của CTCP SCI - cổ đông lớn nhất của SCI E&C cũng tăng giá 142,68% trong năm Canh Tý. Đóng cửa phiên 9/2, giá mã S99 ở 19.900 đồng/cp.
Sau SCI, hai cổ phiếu khác trên sàn HNX là BII và DNM cũng tăng giá gấp hơn 5 lần trong năm âm lịch vừa qua. Cụ thể, mã BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư tăng giá 566,67% từ 900 đồng/cp lên 6.000 đồng/cp. Có thời điểm mã BII đạt đỉnh tại 7.500 đồng.
Trong nhóm y tế, mã DNM của Y tế Danameco tăng giá mạnh nhất với 405,88% từ 8.500 đồng/cp lên 43.000 đồng/cp. Ngày 3/8, cổ phiếu DNM đóng cửa tại mức đỉnh cao nhất là 73.100 đồng/cp.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC đứng đầu về tỷ lệ tăng giá với 402,46%. Giá mã này tăng từ 38.650 đồng/cp lên 194.200 đồng/cp. Với mức thị giá này, quy mô vốn hóa của công ty đạt gần 2.680 tỷ đồng.
Sau GAB, một "tân binh" trên sàn HOSE là mã VIX của Chứng khoán VIX cũng tăng giá bằng lần trong năm vừa qua. Cụ thể, cổ phiếu VIX tăng giá từ 5.273 đồng/cp (đã điều chỉnh) lên 26.150 đồng/cp. Nhóm tăng giá mạnh trên sàn HOSE còn có hàng loạt mã penny như EVG, RIC, AGR.
Không chỉ có các penny, sàn HOSE trong năm Canh Tý còn ghi nhận nhiều cơ hội đầu tư "ăn bằng lần" với các cổ phiếu vốn hóa trung bình và lớn như TCM (Dệt may Thành Công), GIL (Xuất Nhập khẩu Bình Thạnh), DGW (Thế Giới Số), PDR (Bất động sản Phát Đạt), DBC (Dabaco), KBC (Kinh Bắc), KDC (Kido), RAL (Bóng đèn Phích nước Rạng Đông), DGC (Hóa Chất Đức Giang). KSB (Khoáng sản Bình Dương) hay VCI (Chứng khoán Bản Việt).
Còn trên thị trường UPCoM, cổ phiếu CTN của Vinavico dẫn đầu tỷ lệ tăng giá với 700%, từ 100 đồng/cp lên 800 đồng/cp. Nhiều mã penny khác trên thị trường này cũng tăng giá mạnh, gấp hơn 5 lần như WTC của Vận tải thủy Vinacomin, KSH của Damac GLS.
Những mã tăng giá bằng lần trên thị trường UPCoM năm vừa qua còn có SBS, GVT, MTH, MTA, SPH, AFX, PFL, VES. Tỷ lệ tăng giá của những mã này đều trên 300%.