Hàng trăm cây gỗ ở rừng phòng hộ bị khoan gốc, đổ thuốc độc
Ngày 18/7, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cùng các đơn vị nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường, lấy mẫu cây để xét nghiệm, điều tra vụ hàng trăm cây gỗ dầu và gỗ sao bị đầu độc.
Số gỗ bị bức tử thuộc Phân trường Trảng Táo của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và nằm trên địa bàn xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Theo cơ quan quản lý rừng này, có khoảng 242 cây gỗ dầu, gỗ sao bị chết và héo úa. Mỗi gốc cây có 3 lỗ khoan.
"Mỗi lỗ khoan sâu khoảng 5 cm. Bên trong chứa đầy chất hóa học là thuốc diệt cỏ 2,4D. Sau khi đổ thuốc độc vào, người khoan dùng bông gòn bịt kín miệng lỗ để chất này không trào ra ngoài", một bảo vệ rừng nói.
Ông Đặng Văn Hiện, Trưởng phân trường Trảng Táo nói rằng 242 cây gỗ bị đầu độc nằm trong diện tích 7 ha mà Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc giao cho gia đình ông Nguyễn Mốc (ngụ huyện Xuân Lộc) quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Theo hợp đồng, nông dân này được trồng xen điều hoặc các cây công nghiệp khác dưới tán rừng.
Lá một cây dầu bị khoan ở gốc héo úa.
242 cây bị đầu độc thuộc loại gỗ lớn, được trồng từ năm 2005 (12 tuổi). Đường kính thân cây từ 16-25 cm, cao trên 10 m.
Ông Đặng Văn Hiện cho hay người khoan và đổ chất độc vào thân cây đã dùng cành, lá khô tấp vào gốc để che giấu hành vi. "Những cây này bị đổ thuốc vào khoảng 10 ngày trước. Cách đây mấy hôm, chúng tôi đi tuần và thấy cây héo úa bất thường. Khi kiểm tra thân ở phần gốc thì phát hiện vụ việc", ông Hiện cho biết.
Cây gỗ sao chết khô trong khi những cây điều được trồng phía dưới tươi tốt. Một bảo vệ nói rằng, khả năng người được giao quản lý khu vực đã tự hạ độc cây để lấy diện tích và ánh sáng cho cây điều phát triển. "Chúng tôi đã báo sự việc lên cơ quan công an và họ sẽ điều tra vụ việc", bảo vệ này nói.
Phân trường Trảng Táo thông tin phát hiện cây chết, đơn vị này đã 2 lần mời người được giao khoán chăm sóc là ông Nguyễn Mốc lên làm việc nhưng ông không đến.
Cạnh gốc gỗ dầu chết là cây điều con mới được ông Nguyễn Mốc trồng.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, đơn vị được giao quản lý 10.000 ha rừng. Cơ quan này đã giao khoán cho 2.000 hộ dân trực tiếp chăm sóc, bảo vệ cây với điều kiện họ sẽ được thu hoạch gỗ sau 50 năm chăm sóc. Để quản lý gỗ, lực lượng chức năng đánh số thứ tự và kiểm tra bằng hệ thống định vị GPS.
Cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra để có hướng xử lý những người liên quan.
Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đóng tại địa bàn xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ảnh: Google Maps.