Hàng tỉ USD chờ 'tháo van'
Tiềm năng to lớn
Nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỉ USD, thì đến năm 2018, theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam, con số này đã vượt mốc kỉ lục 10,2 tỉ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỉ qua đạt khoảng 55 tỉ USD.
Bên cạnh dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào Việt Nam thì những thương vụ M&A hàng tỉ USD từ nước ngoài đã đổ vào Việt Nam trong những năm gần đây giúp thu hút một nguồn ngoại tệ lớn vào Việt Nam, góp phần giữ tỉ giá ổn định và cải thiện năng suất lao động tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 11 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam đang mở ra và trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường M&A Việt Nam đang rất lớn. Để đẩy nhanh tốc độ thâm nhập vào thị trường Việt Nam, không riêng gì các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan mà những nhà đầu tư Châu Âu, Nhật Bản cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến hoạt động này.
Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao của Recof đến từ Nhật Bản, cho biết cuộc thương chiến Mỹ - Trung khiến sự dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam tăng lên và nước ta đang tham gia ngày càng nhiều hơn các Hiệp định thương mại tự do đã hấp dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư.
Do đó, xu hướng giao dịch M&A tới đây là khá lớn. Ông Tamotsu Majima cho biết, tính đến tháng 7 đã có khoảng 21 giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Con số dự báo đến cuối năm nay có thể đạt trên 30 giao dịch.
Quá nhiều rào cản
Sau hai năm 2017 - 2018 khá rầm rộ với những thương vụ lớn như Sabeco, Vinamilk, thị trường M&A những tháng đầu năm 2019 trở nên trầm lắng.
Theo thống kê của Diễn đàn M&A, tổng giá trị các thương vụ M&A công bố trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1,9 tỉ USD, giảm 47% so với cùng kì năm 2018.
Nhìn chung, quy mô các thương vụ M&A tại Việt Nam hiện vẫn ở quy mô rất nhỏ. Và theo nhận định của các chuyên gia, nếu muốn thị trường M&A "bứt phá" cần phải có những thương vụ lớn để thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, như trường hợp Sabeco, Vinamilk,…
Thương vụ mua Sabeco của ThaiBev trị giá 5 tỷ USD năm 2017 là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức hiện nay là một số rào cản chính sách trong nước còn chưa được tháo gỡ; chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn; quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ì ạch…
Trong khi đó, quan sát trên thị trường chứng khoán có thể dễ dàng nhận thấy, một số lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như Logistics (cổ phiếu GMD), hạ tầng viễn thông (cổ phiếu FPT), tiện ích (cổ phiếu REE) đều đã kín room ngoại nhưng vẫn chưa có thêm hàng hoá mới để thu hút các nhà đầu tư.
Ngoài các vấn đề về chính sách, một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay đó là tính minh bạch ảnh hưởng đến việc định giá. Nhiều đánh giá cho rằng chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp vẫn còn rất sơ sài và hầu như chỉ đáp ứng "đúng quy trình" chứ không đáp ứng tiêu chí minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo ông Tamotsu Majima, mặc dù rất quan tâm đến M&A tại Việt Nam nhưng hoạt động này đối diện với một số thách thức, khó khăn về quản trị doanh nghiệp.
Ông Tamotsu Majima nói: "Doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản đòi hỏi cao về quản trị và sự minh bạch và rất ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này".
Ngoài ra, theo ông Nhữ Đình Hoà, Tổng giám đốc của CTCK Bảo Việt (BVSC), một số nội dung trong Luật doanh nghiệp hiện nay tạo ra sự bất lợi cho các nhà đầu tư lớn tham gia mua cổ phần doanh ngiệp.
Trong đó, quy định nhà đầu tư phải sở hữu cổ phiếu trong khoảng thời gian 6 tháng mới được ứng cử vào HĐQT, Ban kiểm soát, triệu tập ĐHĐCĐ đã gây khó khăn cho NĐT vừa sở hữu trên 50%.
Dự thảo Luật Cạnh tranh đi ngược xu thế?
Việt Nam đang có những thay đổi về chính sách để khuyến khích đầu tư, được giới đầu tư quốc tế đang rất trông chờ các chính sách mà Việt Nam sắp sửa đổi như Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, và Luật Chứng khoán mới.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cho rằng việc sửa đổi các luật này có thể làm giảm thời gian, chi phí các thương vụ, thủ tục cho nhà đầu tư tham gia các thương vụ. Tuy nhiên, có một điểm vị này nhấn mạnh chính là Nghị định hướng dẫn liên quan đến Luật Cạnh tranh khiến nhà đầu tư còn quan ngại
Trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Cạnh Tranh bản gần nhất, thương vụ có thể rơi vào ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế nếu giá trị trên 42 triệu USD Mỹ, hoặc tổng giá trị hoặc tổng doanh thu của một trong các bên tham gia ở Việt Nam vượt trên ngưỡng 85 triệu USD Mỹ, hoặc thị phần kết hợp của các bên tham gia vượt ngưỡng 20%.
So với luật cạnh tranh cũ, chỉ có một ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế duy nhất là khi thị phần kết hợp vượt ngưỡng 30%. Như vậy, so quy định trong dự thảo, số lượng thương vụ phải thông báo tập trung kinh tế có thể sẽ tăng lên nhiều lần so với luật cũ.
Điều khiến Chủ tịch Dragon Capital e ngại là các thương vụ M&A có giá trị 42 triệu USD trở lên tại Việt Nam đang dần trở nên phổ biến hơn. Với các NĐT trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng hay bất động sản thì tổng giá trị trên 85 triệu USD tại Việt Nam cũng rất phiền phức.
"Các thương vụ tôi tư vấn trong hai năm qua, nếu dự thảo được thông qua trong hai năm qua thì rất nhiều thương vụ sẽ phải làm thông báo tập trung kinh tế. Theo đó, thời gian thực hiện các thương vụ có thể kéo dài thêm 1 đến 3 tháng, vừa làm tăng chi phí, tăng gánh nặng vận hành lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia".
Trong khi đó thay đổi này theo chủ tịch Dragon Capital là không chắc cần thiết trong việc điều tiết rủi ro về cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, bất động sản có giá trị trên 85 triệu USD là bình thường, và với giá trị đó thì thị phần đạt được chỉ vài phần phần trăm nên không thể ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.
Trong khi đó, tại Singapore, Hong Kong, quy định ngưỡng thông báo là 40%, so với con số 20% trong dự thảo có chênh lệch lớn. Ngoài ra, các quốc gia trên thế giới quy định ngưỡng thông báo dưạ vào thị phần, doanh thu và rất ít quốc gia nào dựa vào giá trị tài sản là ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.
"Do vậy, các ngưỡng thông báo trong dự thảo không chỉ làm tăng khối lượng công việc, mà còn đi khác xa so với các ngưỡng trong luật cạnh tranh của các quốc gia láng giềng", Chủ tịch Dragon Capital đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách.
Các chuyên gia đề xuất Chính phủ cần phải thoái vốn quyết liệt và mạnh mẽ hơn để tạo ra những thương vụ lớn có tính chất dẫn dắt thị trường. Song song là hệ thống pháp lý liên quan đến M&A cần được hoàn thiện, tháo dỡ các rào cản về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, thuế...
Bởi thị trường M&A Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/