Hàng Nhật tìm lối riêng tấn công thị trường Việt
Trong chuyến khảo sát thị trường Việt Nam từ đầu năm nay, ông Hayashi Motoo, Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại Nhật Bản tiết lộ rằng hàng Nhật sẽ chính thức chinh phục thị trường này vào tháng 11 năm nay với sự kiện Japan fair. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã có nhiều năm chuẩn bị hạ tầng và khi bắt đầu chiến dịch họ mong muốn làm một cách bài bản nhất. Đó là cơ sở để họ sẵn sàng cạnh tranh bền bỉ trong cả thập kỷ chứ không phải ngày một, ngày hai.
Vũ khí từ cửa hàng tiện lợi
Hàng Nhật đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam khi các đại siêu thị của họ được mở tại đây. Tuy nhiên các cửa hàng tiện lợi mới là bệ phóng để lan tỏa hàng Nhật đển từng ngõ ngách của thị trường.
Không phải hàng hóa nào của Nhật cũng vào Việt Nam mà sẽ có nhiều giai đoạn và có lộ trình cụ thể. Trước mắt sẽ là các mặt hàng ẩm thực, mỹ phẩm, thời trang thông qua các kênh bán lẻ và chủ yếu là các cửa hàng tiện lợi.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Jetro chia sẻ: “Với bản tính ăn chắc mặc bền người Nhật sẽ cân nhắc từng khâu để đưa hàng vào Việt Nam. Trước mắt họ khảo sát xem cần bán sản phẩm nào, và làm thế nào để thu hút được người Việt Nam dùng hàng Nhật.”
Đầu năm nay Bộ trưởng Kinh tế - thương mại Nhật Bản khảo sát thị trường Việt Nam để hỗ trợ cho hàng Nhật thâm nhập một cách hợp lý. Ảnh: Việt Dũng |
Thông tin từ Jetro, các cửa hàng tiện lợi của quốc gia này đang triển khai tại Việt Nam được xây dựng như những cứ điểm khảo sát tối ưu nhất về thông tin và hành vi tiêu dùng tại Việt Nam, trước mắt là FamilyMart, Mini stop, Citi Mart… Tiếp đó một thương hiệu nổi tiếng khác là 7-Eleven cũng đã sẵn sàng nhảy vào Việt Nam để hỗ trợ cho hàng Nhật.
Hiện tại, số lượng cửa hàng tiện lợi của Nhật ở Việt Nam chưa đến 200 nhưng con số này sẽ tăng lên 500, thậm chí là 1.000 trong tương lai gần. Chỉ
riêng Mini Stop đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng trong năm nay và tăng gấp đôi trong năm sau. Khi đó, lượng sản phẩm Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Theo nhiều doanh nghiệp Nhật, đây là kênh nắm bắt thị hiếu khách hàng tốt nhất.
Ông Koji chia sẻ: “Sau khi khảo sát, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng thị trường Việt Nam đang phát triển và rất dễ chấp nhận sản phẩm mới. Việc bán thử tại Việt Nam chính là cột mốc đánh dấu việc nhẩu khẩu thực phẩm chính thức từ Nhật sang Việt Nam. Qua đó sẽ phân tích được những khó khăn thực sự để tìm hướng giải quyết hợp lý nhất khi nhập khẩu đại trà".
Trong năm nay, gần 80 sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm được chọn lọc qua hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản được bán thử nghiệm trong 200 cửa hàng tiện lợi của Nhật đầu tư tại đây. Sau khoảng 1 tháng bán thử nghiệm, họ sẽ lựa chọn những sản phẩm nào tiêu thụ tốt, phù hợp sẽ được duy trì.
Ông Yamanouchi Hirohisa, Trưởng bộ phận sản phẩm, tiếp thị của chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart cho biết sắp tới sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng lên để hỗ trợ phân phối hàng Nhật. "Chúng tôi không đặt nặng quá vấn đề cạnh tranh với cửa hàng truyền thống. Dù là phát triển song hành nhưng tôi tin cửa hàng tiện lợi sẽ tác động lên các cửa hàng tạp hóa truyền thống thay đổi. Họ sẽ phải tự nâng cấp mình lên cho hợp với thị trường giống như xu thế của Hàn Quốc, Philippines… trước đây", ông nói.
Thách thức cạnh tranh đường dài
Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn cửa hàng tiện lợi để phát tán hàng hóa tại Việt Nam. Một cửa hàng tiện lợi tính trung bình phải 6 năm mới bắt đầu hoàn vốn nhưng đây là mô hình tốt để mở một cuộc đua đường dài.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp thì họ chấp nhận một cuộc đầu tư dài hơi vào cửa hàng tiện lợi để duy trì chất lượng hàng hóa và người Nhật chỉ cạnh tranh bằng chất lượng.
Ông Akihiko Maeda, Tổng giám đốc chuỗi Mini Stop tại Việt Nam cho biết đơn vị tính toán thì phải mở tối thiểu 300 cửa hàng tiện lợi mới đảm bảo có mức lợi nhuận ổn định. "Chúng tôi sẽ hướng tới mục tiêu này và sẵn sàng cạnh tranh bằng cách chạy bền bỉ để có được thị trường. Sau đó, chúng tôi sẽ tính đến chuyện nhượng quyền để giảm chi phí và tối ưu hóa độ phủ của hàng Nhật".
Các doanh nghiệp Nhật tin rằng đưa hàng hóa vào một cuộc chạy đua bền bỉ sẽ thành công vì họ không mất quá nhiều sức lực cho các vấn đề khác.
Doanh nghiệp Nhật không tự thân vận động mà được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chức năng. Với cách làm này, hàng hóa Nhật chắc chắn sẽ bám rễ sâu rộng tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, để khởi động cho chiến dịch lần này, Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật chuẩn bị khá kỹ các khâu, từ hạ tầng xã hội, dịch vụ thanh toán và kênh phân phối. Các cơ quan chức năng Nhật còn thành lập bộ phân chuyên trách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, các ngân hàng cùng các công ty tư vấn, lãnh sự quán Nhật tại Việt Nam cung cấp các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, tư vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục, nhân sự, thậm chí là hỗ trợ trong việc xin giấy phép đầu tư.
Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tri Tri group, nhận xét Nhật có nhiều cách hỗ trợ công ty nước họ thâm nhập thị trường nước ngoài mà chúng ta cần tham khảo để có những điều chỉnh cho phù hợp. Các cơ quan chức năng của Nhật cùng doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, thu nhận thông tin… để có chiến lược “đánh chiếm” thị trường nước ngoài hiệu quả.