|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hàng loạt nhà quản lý quỹ danh tiếng lỗ đau vì biến động điên rồ của chứng khoán toàn cầu

16:46 | 07/02/2022
Chia sẻ
Khởi đầu 2022 chật vật của thị trường chứng khoán toàn cầu đã xô đổ thành tích của loạt chuyên gia chọn cổ phiếu nổi tiếng. Kết quả đáng thất vọng của Facebook tuần vừa rồi càng khoét sâu vào nỗi đau của cổ phiếu công nghệ.
Hàng loạt nhà quản lý quỹ danh tiếng lỗ đau vì biến động điên rồ của chứng khoán - Ảnh 1.

"Hổ con" Lee Ainslie (trái), chuyên gia chọn cổ phiếu kỳ cựu Terry Smith và Giám đốc đầu tư chứng khoán Mỹ Tom Slater của Baillie Gifford bị ảnh hưởng lớn khi cổ phiếu công nghệ bị bán tháo. (Ảnh: Financial Times/Bloomberg/Shutterstock).

Ông William Danoff, Giám đốc đầu tư của Fidelity Contrafund là một trong những người phải hứng chịu khoản lỗ khổng lồ. Với quy mô 131 tỷ USD, Fidelity Contrafund là một trong những quỹ được quản lý theo phong cách chủ động lớn nhất, lâu đời nhất giới đầu tư.

Tính tới cuối phiên 3/2, giá chứng chỉ quỹ Fidelity Contrafund sụt 11% so với đầu 2022 sau khi Meta (công ty mẹ Facebook) - khoản đặt cược lớn nhất của quỹ bốc hơi 26,4% chỉ trong một ngày.

Hàng loạt nhà quản lý quỹ danh tiếng lỗ đau vì biến động điên rồ của chứng khoán - Ảnh 2.

Cổ phiếu công nghệ đã chịu áp lực kể từ cuối năm ngoái khi nỗi lo về ngân hàng trung ương đảo ngược chính sách kích thích gây hỗn loạn trên thị trường tài chính. Năm 2022, nhiều ngân hàng trung ương lớn dẫn đầu bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ đã củng cố quyết tâm tăng lãi suất, gây ra cuộc bán tháo rộng kéo chỉ số MSCI World giảm 5,1%.

Ông Ed Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research cho biết: "Nguồn cơn chủ yếu của biến động là Fed, vốn đang làm chao đảo thị trường chứng khoán với viễn cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt. Fed đang khiến quá trình chuyển đổi khó khăn từ chính sách tiền tệ dễ dàng sang thắt chặt trở nên đau đớn hơn và có thể kéo dài hơn so với cần thiết".

Bóng đen đã phủ xuống một số tên tuổi lớn nhất của ngành đầu tư. Tại công ty quản lý tài sản Baillie Gifford, quỹ tín thác Scottish Mortgage Trust trị giá 15,2 tỷ bảng Anh được quản lý bởi ông Tom Slater lao dốc 21% trong 2022, mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Quỹ Growth Fund of America trị giá 292 tỷ USD, được vận hành bởi 13 nhà quản lý danh mục hàng đầu của Capital Group, sụt giảm 12% trong năm nay. Đây là bước lùi đột ngột đối với quỹ đầu tư chứng khoán chủ động lớn nhất thế giới. Kể từ khi thành lập vào năm 1973, quỹ đạt lợi nhuận trung bình hàng năm gần 14%.

Số liệu đáng thất vọng do Meta công bố đã xóa sổ 251 tỷ USD khỏi vốn hóa công ty và gây ra đợt hỗn loạn mới đối với nhiều cổ phiếu công nghệ sau tháng 1 đầy trắc trở.

Ông Paul Singer, CEO công ty đầu tư Elliott Management viết trong lưu ý gửi tới khách hàng: "Những cổ phiếu điên rồ được yêu thích nhất trên thị trường chứng khoán có thể đang bắt đầu đảo chiều".

Quỹ đầu tư Fundsmith trị giá 26 tỷ bảng Anh của nhà quản lý quỹ nổi tiếng Terry Smith sụt giảm 10,8% trong 2022 do lỗ lớn vì Meta và Paypal, theo dữ liệu từ Refinitiv.

Các quỹ chủ động lớn tại những công ty lừng danh như T Rowe Price, Invesco và Polen Capital cũng bị vướng vào sự sụp đổ giá cổ phiếu Meta và cuộc bán tháo cổ phiếu công nghệ. Chỉ số Nasdaq Composite vẫn thấp hơn 10% so với đầu 2022 bất chấp cuộc phục hồi ngày 4/2.

Hàng loạt nhà quản lý quỹ danh tiếng lỗ đau vì biến động điên rồ của chứng khoán - Ảnh 3.

Ông Andrew Beer, nhà sáng lập công ty đầu tư Dynamic Beta Investments nói: "Những chuyên gia chọn cổ phiếu công nghệ trải qua năm 2021 tồi tệ nhưng tháng 1 năm mới còn khủng khiếp hơn".

Không phải cổ phiếu công nghệ nào cũng "chìm xuồng". Một số đại gia như Apple, Microsoft và Amazon báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến, giúp nâng đỡ giá cổ phiếu.

Những ngoại lệ này đã giúp vớt vát phần nào cho các chuyên gia chọn cổ phiếu. Ví dụ, ngoài Meta thì quỹ Contrafund của ông Danoff cũng đầu tư mạnh vào Amazon, Microsoft, Apple và Berkshire Hathaway. Berkshire là một trong số cổ phiếu hiếm hoi đi lên trong khi thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong 2022.

Trung bình những quỹ đầu cơ chủ yếu tập trung vào cổ phiếu "tăng trưởng" mất 3,7% trong tháng 1, theo dữ liệu từ HFR. Đây là mức hao hụt lớn nhất kể từ đầu đại dịch tháng 3/2020. Trong khi đó, tính chung các quỹ đầu cơ giảm 1,5%.

Nhưng bản chất điên cuồng của biến động thị trường khiến một số nhà quản lý quỹ chịu thương tổn nặng nề hơn hẳn số đông. Quỹ Maverick Capital của ông Lee Ainslie – một trong những "Hổ con Phố Wall" giống Bill Hwang – mất 21,2% trong một tháng tính tới 28/1, theo số liệu gửi tới khách hàng.

Trong cùng tháng, quỹ Lone Pine của "Hổ con" Steve Mandel sụt 11,9%, theo nguồn tin của Financial Times.

Ông Alister Hibbert, một trong những nhà quản lý quỹ đầu cơ xuất sắc nhất thuộc BlackRock, để vuột mất khoảng 9% khỏi quỹ Strategic Equity của ông trong tháng trước. Đây là một trong những tháng tồi tệ nhất của Strategic Equity từ trước đến nay, những người thông thạo tình hình cho biết.

Đối với một số chuyên gia bi quan hơn thì thị trường chứng khoán suy sụp là điều họ đã trông đợi từ trước. Ông Crispin Odey, nhà sáng lập Odey Asset Management từ lâu đã dự đoán lạm phát phi mã, chứng kiến chứng chỉ quỹ tăng 23,5% tháng trước, ghi nhận một trong những thành tích tốt nhất của toàn ngành, nhờ các khoản đặt cược cổ phiếu giảm giá.

Tương tự, CEO Barry Norris của Argonaul Capital cũng đã chờ sẵn thị trường gấu và nhìn thấy giá chứng chỉ quỹ đi lên 5,5% tháng trước. Ông nhận xét: "Các quỹ đầu cơ khác chẳng đầu cơ mấy. Rất nhiều quỹ đã trở thành quỹ chỉ số nhưng vẫn thu phí hiệu suất, hưởng một phần lãi của khách hàng trong những kỳ có lãi".

Giang