Hàng loạt dự án lớn lộ sai phạm sau kiểm toán, nhiều thủy điện 'đội vốn' khủng
Phê duyệt tùy tiện
Bất cập đầu tiên được kiểm toán chỉ ra là việc phê duyệt dự án chưa có quy hoạch. Điển hình như dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, phê duyệt dự án chưa có trong danh mục Quy hoạch điện VI đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hay như dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm). Tại thời điểm Chính phủ đồng ý thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án chưa có trong quy hoạch ngành được phê duyệt. Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước, tại thời điểm lập dự án chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất Bio-Ethanol, chưa ban hành lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học.
Không chỉ vậy, dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước còn trình thông qua chủ trương đầu tư khi chưa được xem xét, thẩm định, không đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết đầu tư.
Có trường hợp còn không lập dự án đầu tư xây dựng công trình đối với công trình có TMĐT trên 15 tỷ đồng. Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước, chủ đầu tư chỉ lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình thi công Kho Hoa Lư, công trình Thi công mở rộng đoạn đường 6km.
Đặc biệt, có nhiều dự án phê duyệt chưa đầy đủ cơ sở, điển hình như dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm). Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phê duyệt dự án này mà không xem xét các ý kiến của các bộ, ngành nhận định hiệu quả tài chính của dự án không cao và chưa có đề xuất cơ chế xử lý rủi ro trong đầu tư và vận hành, dẫn đến nhà máy vận hành, khai thác không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu; dự án Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước, chưa lượng hóa được các rủi ro làm cơ sở quyết định đầu tư dẫn đến hoạt động thua lỗ, không có khả năng trả nợ, số nợ gốc và lãi vay phải trả cho các ngân hàng thương mại đến 31/12/2018 dự kiến là 1.623,5 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nhiều dự án cũng không được nêu rõ. Điển hình là dự án đường dây 500kV TTĐL Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên: EVNNPT phê duyệt dự án khi nguồn vốn của dự án chỉ mới nêu dự kiến nguồn vốn; dự án thủy điện Sông Bung 2: Phê duyệt dự án khi nguồn vốn của dự án chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ; dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình: Phê duyệt dự án chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: dự án sàng tuyển Vàng Danh 2, dự án mỏ Bình Minh, dự án mỏ Đèo Nai, Dự án mỏ Mông Dương, dự án mỏ đồng Tả Phời, dự án cụm cảng Km6, chưa phê duyệt cụ thể, chi tiết tỷ lệ cho từng loại nguồn vốn.
Bên cạnh đó, không ít dự án còn phê duyệt khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, điển hình như dự án đường dây 500kV TTĐL Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên,dDự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình,dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: dự án sàng tuyển Khe Chàm, dự án mỏ đồng Tả Phời, dự án Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước.
Loạt thủy điện đội vốn khủng
Đáng lưu ý tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư với giá trị lớn. Trong đó, dự án thủy điện Sông Bung 2: Điều chỉnh tăng 2.867,3 tỷ đồng (từ 2.372,2 lên 5.239,5 tỷ đồng); dự án nhà máy thủy điện Bản Chát: Điều chỉnh tăng 7.334,6 tỷ đồng (từ 6.394,86 lên 13.832,99 tỷ đồng), dự án Thủy điện Trung Sơn: Điều chỉnh tăng 1.324,7 tỷ đồng (từ 6.450,3 lên 7.775,1 tỷ đổng).
Hay dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình: Điều chỉnh tăng 13.623,6 tỷ đồng (từ 12.961 lên 26.584,6 tỷ đổng), Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm): Điều chỉnh tăng 269,3 triệu USD (từ 397,7 triệu USD lên 667 triệu USD).
Đã vậy còn tình trạng sử dụng vốn tự có không đúng mục đích, không đúng thẩm quyền. Điển hình như dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm).
Tổng công ty Hóa chất Việt Nam sử dụng vốn tự có để tạm ứng, thanh toán khối lượng lần 1 cho hợp đồng EPC 485 triệu đồng là sai mục đích, sử dụng vốn tự có để thanh toán lãi tiền vay trong thời gian xây dựng, nộp thuế thay Nhà thầu EPC thanh toán các chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác.
Ban QLDA sử dụng vốn tự có để ký hợp đồng ủy thác vốn cho Công ty tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (lãi suất 3%/năm) từ 2009 đến 2011 khi chưa có ý kiến chấp thuận, ủy quyền của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam là không đúng thẩm quyền, giảm hiệu quả kinh tế trong sử dụng vốn của Chủ đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng.