Hàng loạt dự án điện gió ‘khủng’ xếp hàng chờ duyệt
Một dự án điện gió tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. ẢNH Đ.N.T |
Bộ Công thương mới đây đã liên tiếp phát đi văn bản gửi các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Quốc phòng... để lấy ý kiến về việc một số địa phương và chủ đầu tư xin bổ sung một số dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Trong số này, đáng chú ý nhất phải kể đến đề xuất của UBND tỉnh Bạc Liêu xin bổ sung "siêu dự án" cụm nhà máy điện gió Hoa kỳ - Bạc Liêu với tổng công suất đề xuất lên đến 608 MW.
Cùng thời gian này, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng có một văn bản khác đề nghị Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch điện gió Hoà Bình (với 3 nhà máy), có tổng công suất cũng khá lớn với 246,4 MW, vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Trước đó ít ngày, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng có tờ trình đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu cho bổ sung vào quy hoạch với điện gió Sóc Trăng số 11 có công suất 100,8 MW.
Như vậy, chỉ riêng trong chưa đầy 1 tháng, Bộ Công thương đã tiếp nhận ít nhất 3 đề xuất bổ sung quy hoạch các nhà máy điện gió với tổng công suất đã vượt 1.000 MW, con số này đã lớn hơn mục tiêu 800 MW điện gió mà Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đề ra. Cụ thể, theo quy hoạch này, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800 MW và đến năm 2030 đạt 6.000 MW.
Thời gian qua, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg vào tháng 9.2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Bộ Công thương cũng đã tiếp nhận rất nhiều đề xuất bổ sung quy hoạch. Cùng với đó, hàng loạt dự án điện gió vốn nằm im rất lâu cũng đã rục rịch khởi động trở lại.
TS Mai Duy Thiện, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, cho hay vài năm qua, hàng trăm dự án điện gió đã được đăng ký, nhưng thực tế, số dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi trước khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá điện gió ở Việt Nam chỉ ở mức 7,8 cent/kWh, quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi vốn đầu tư các dự án điện gió rất lớn, khoảng 2 - 2,5 triệu USD/MW, do hầu hết các thiết bị, công nghệ đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Giá bán thấp, vốn đầu tư lớn, dẫn đến lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhà đầu tư khó thu xếp vốn vay ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Thiện, với mức giá điện gió vừa được tăng lên theo Quyết định số 39 là giá điện gió các dự án trên đất liền 8,5 Uscents/kWh, dự án điện gió trên biển lên 9,8 Uscents/kWh, thì chắc chắn lĩnh vực điện gió sẽ thu hút được nhiều các nhà đầu tư hơn trong thời gian tới nên làn sóng xin bổ sung quy hoạch lẫn triển khai trên thực tế sẽ còn sôi động hơn nhiều.