Hà Nội 20 °C | 12:05AM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hàng loạt doanh nghiệp nông nghiệp khủng sắp tiến hành IPO

20:52 | 14/02/2017
Chia sẻ
Ít nhất sẽ có hai tập đoàn lớn tiến hành IPO trong quý II và quý III/2017, đồng thời hàng chục doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cũng lên kế hoạch bán vốn.
hang loat doanh nghiep nong nghiep khung sap tien hanh ipo

Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam dự kiến sẽ IPO vào quý III/2017

VRG, Vinafood 2 sắp sửa IPO

Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước. Ngay trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành cổ phần hóa, IPO một số doanh nghiệp như: Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2). Theo đó, VRG sẽ tiến hành cổ phần hóa và IPO trong quý III còn Vinafood 2 sẽ tiến hành trong quý II/2017.

Được biết, hai doanh nghiệp này được tiến hành kiểm toán, sau kiểm toán sẽ xác định lại giá trị doanh nghiệp, sau đó sẽ “chốt” phương án cổ phần hóa và sẽ tiến hành IPO. Hiện cả hai đều đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Với số vốn bán ra tương đối lớn, đặc biệt là VRG, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là điều không đơn giản.

Cũng theo kế hoạch, năm 2017, Bộ cũng sẽ hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp với 2-3 doanh nghiệp để tiếp tục tiến hành cổ phần hóa, bao gồm: Tổng công ty cà phê Việt Nam, Vinafood 1 và có thể cả Công ty TNHH một thành viên viên Thủy sản Hạ Long.

Trước đó, trong năm 2016, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành chuyển 12 doanh nghiệp nhà nước do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang công ty cổ phần. Tuy nhiên, vẫn còn 6 doanh nghiệp chưa hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 để bàn giao sang công ty cổ phần, bao gồm: Tổng công ty rau quả nông sản, Tổng công ty chè Việt Nam, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH nhà nước MTV Tư vấn và đầu tư phát triển rau hoa quả, Công ty xây dựng và chuyển giao công nghệ Thủy lợi, Công ty CP thuốc thú y trung ương Vetvaco. Bộ NN&PTN đang yêu cầu 6 doanh nghiệp này khẩn trương hoàn tất quyết toán vốn nhà nước lần 2, nếu không sẽ tiến hành xử lý.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp cổ phần hóa đã đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt. Về cơ bản vốn đầu tư nhà nước được bảo toán và phát triển. Một số đơn vị tỷ lệ cổ phần hóa nhà nước nắm giữ lớn đã được bộ thoái vốn thành công và hiệu quả như Tổng công ty Mía đường I, Tổng công ty chăn nuôi.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tiến độ tái cơ cấu diễn ra còn chậm, một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa không bán hết được cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt, chưa tạo ra được những biến đổi lớn về hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp còn bất cập… Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối chỉ hoạt động ở mức bảo toàn vốn nhà nước, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng vốn. Một số doanh nghiệp trong và sau cổ phần hóa, sắp xếp đã bộ lộ những vấn đề phải tập trung xử lý và giải quyết như Tổng công ty chè Việt Nam, Công ty CP thuốc thú y Trung ương Vetvaco, Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc…

Thoái vốn: kẻ lỗ muốn thoái, người lãi chần chừ

Bên cạnh cổ phần hóa, công tác bán và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Ông Phạm Quốc Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cho hay, năm 2017, kế hoạch của Bộ là ngay trong quý I/2017 phải hoàn thành thoái vốn tại 4 doanh nghiệp, gồm: Tổng công thủy thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Mía đường II, Công ty CP Đầu tư và phát triển Ngô Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Chuyển giao công nghệ trường Đại học Thủy lợi.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Bộ NN&TPTN cũng đang yêu cầu tiến hành sớm thủ tục, quy trình để bán vốn, đươn cử: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Công ty CP thuốc Thú y Trung ương Navetco, Công ty cổ phần thuốc Thú y trung ương Vetvaco.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017-2020, ngành nông nghiệp sẽ thoái 2.190 tỷ đồng (giá trị sổ sách), riêng năm 2017 thực hiện thoái với giá trị sổ sách dự kiến là 1.643 tỷ đồng.

Cụ thể, các doanh nghiệp thoái vốn năm 2017 là Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) với số vốn thoái là 320 tỷ đồng (giá trị sổ sách), dự kiến thu về 322 tỷ đồng. Tổng công ty cà phê Việt Nam thoái hơn 108 tỷ đồng, dự kiến thu về chỉ đạt 56 tỷ đồng.Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam thoái 895 tỷ đồng, dự kiến thu về 1.130 tỷ đồng. Tổng công ty lương thực miền Nam thoái 259 tỷ đồng, dự kiến thu về 207 tỷ đồng…

Thời gian qua, việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty cà phê Việt Nam cho hay, hiện doanh nghiệp này vẫn còn vốn tại 4 doanh nghiệp chưa thể thoái thành công, dù đã nhiều lần chào bán. Lý do là các Tổng công ty sở hữu tỷ lệ cổ phần ở các đơn vị này rất nhỏ (trên dưới 3 tỷ đồng) và các đơn vị này đang kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và không thể bán được theo điều kiện “bảo toàn vốn nhà nước”.

“Đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn để xử lý những trường hợp như thế này”, ông Hải đề nghị.

Tương tự, đại diện Vinafood 2 cũng cho biết, doanh nghiệp này đang hoàn thành thoái vốn ở những đơn vị “dễ bán”. Còn lại một số đơn vị khó khăn thì rất khó thoái vốn. Đơn cử, Vinafood 2 đang sở hữu hươn 20% vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX), song nếu thoái vốn theo giá niêm yết hiện nay (AFX vừa lên sàn UPCOM) thì Vinafood 2 lỗ nặng. Vì vậy, Vinafood 2 đang lên kế hoạch chuyển phần vốn này cho SCIC sau đó đợi thời điểm thuận lợi để bán.

Trong khi nhiều tập đoàn đang chật vật thoái vốn vì các khoản đầu tư thua lỗ thì Tập đoàn cao su lại đang chần chừ thoái vốn tại 5 dự án thủy điện. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT VRG cho biết, 5 dự án này đang bắt đầu có lãi nên VRG đang cân nhắc thời điểm thoái vốn.

“Những năm qua, VRG đều thoái vốn có lãi. Riêng với 5 dự án thủy điện, chúng tôi đã xin phép thoái vốn theo lô – lô dự án chứ không phải lô cổ phiếu. Đây là các dự án thủy điện đã đầu tư từ trước, nay mới bắt đầu có hiệu quả, vậy thì có nên bán vốn nhà nước hay không? Vấn đề này Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã giao VRG nghiên cứu, đề xuất và chúng tôi vẫn đang nghiên cứu”, ông Thuận cho biết.

Liên quan đến vấn đề thoái vốn của các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, chủ trương thoái vốn của Bộ NN&PTNT không phải là “bán tháo” mà cân nhắc thời điểm thoái vốn trên cơ sở có lợi nhất và phải bảo toàn được vốn nhà nước.

Theo đó, các dự án thủy điện của VRG có thể nghiên cứu việc chậm thoái vốn vì đang có hiệu quả, còn các dự án thua lỗ của Tổng công ty cà phê, Vinafood 2… cũng chỉ cho thoái vốn lỗ trong các trường hợp đặc biệt và phải báo cáo, xin ý kiến Chính phủ.

Thùy Liên