Hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào từ dịch do virus Corona?
Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) và thực hiện thông báo của Cục Hàng không Việt Nam về việc dừng cấp phép cho tất cả các chuyến bay đến/đi từ Trung Quốc, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa công bố sẽ ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hongkong, Ma Cao và Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 1/2/2020.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Việt Nam (VATM) cũng đã thông báo tin tức hàng không với nội dung tạm thời hủy cấp phép bay đã cấp cho các hãng hàng không khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 06h00 giờ quốc tế (tức 13h00 giờ Việt Nam) ngày 1/2/2020 cho đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng được yêu cầu từ chối tiếp nhận kế hoạch bay không lưu của các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc theo kế hoạch nói trên. Các chuyến bay đang thực hiện, yêu cầu bay trở lại sân bay cất cánh.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay: "Đây là tình huống bất khả kháng mà các hãng hàng không phải tuân thủ theo yêu cầu của nhà chức trách.
Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách và các đơn vị liên quan để theo dõi tình hình và đưa ra các phương án phục vụ hành khách phù hợp nhất trong tình hình hiện nay".
"Phương án đưa các công dân Việt Nam tại Trung Quốc, Hongkong và Đài Loan (Trung Quốc) trở về cũng sẽ được nghiên cứu và báo cáo cơ quan chức năng", đại diện Vietnam Arlines cho hay.
Trong ngày 31/1, Hãng hàng không Vietjet Air cũng đã công bố ngừng bay toàn bộ các đường bay đi/đến Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.
Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc có 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều 1/2, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 31/1 yêu cầu tạm dừng cấp phép bay với tất cả các chuyến bay từ vùng dịch Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài, bao gồm cả khách Trung Quốc đã, đang ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ trường hợp công vụ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo đảm an toàn tính mạng người dân; tạm dừng xuất nhập cảnh qua biên giới bằng giấy thông hành với mục đích du lịch, cấm việc đi lại qua đường mòn, lối mở…".
Theo các chuyên gia kinh tế, vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do những ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Bởi Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 sau thị trường Đông Bắc Á.
Thậm chí nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến, đây có thể là thị trường lớn nhất. Việc ngừng các chuyến bay đến đây chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các hãng hàng không của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quyết định của Cục Hàng không Việt Nam ngừng toàn bộ các chuyến bay đi/đến Trung Quốc từ 13h ngày 1/2 là hoàn toàn cần thiết, nhất là khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố nCoV là "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu".
Đến thời điểm hiện tại, ngoài các hãng hàng không của Việt Nam, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã quyết định ngừng khai thác các đường bay đến và đi từ các sân bay Trung Quốc.
British Airways là hãng đầu tiên công bố ngừng bay đến và đi từ Trung Quốc. Lufthansa, Swiss Air, Austria Airlines, Finnair, Air Canada, United Airlines, KLM Royal Dutch Airlines, American Airlines, Delta Air Lines, Lion Air, Air Seoul... là các hãng hàng không tiếp theo có động thái ngừng khai thác các chuyến bay tới các thành phố của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Mới nhất là ba hãng hàng không lớn của Mỹ là United Airlines, Delta Air Lines và American Airlines ngày 31/1 đã thông báo hủy các chuyến bay đến Trung Quốc sau khi Chính phủ Mỹ công bố các biện pháp bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.